Băn khoăn việc dựng tượng vua làm biểu tượng công lý

TAND Tối cao vừa có công văn gửi TAND các cấp về việc tổ chức lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo đó, sau khi lấy ý kiến đóng góp, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của TAND và hoạt động xét xử.

Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở các tòa án, TAND Tối cao tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án đối với ba mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

Vì sao lựa chọn vua Lý Thái Tông?

TAND Tối cao thuyết minh vua Lý Thái Tông (1028-1054) khi trở thành hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất thời đại quân chủ Việt Nam.

Ngoài ra, vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ "Hình thư" - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

Ông đã thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Đáng chú ý, vị vua này trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực thương yêu dân.

Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông.

Ông đã để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại.

Ngày 5-2-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.

Một mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Ảnh: TAND Tối cao

TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.

Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam.

Dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Việc lấy ý kiến được TAND Tối cao tiến hành tới ngày 28-4.

Nhiều ý kiến băn khoăn

Một thẩm phán tại TP.HCM cho biết không nên chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng ngành tòa án. Biểu tượng công lý xưa nay nhân loại đã có nữ thần công lý với tay cầm cán cân biểu tượng cho sự công bằng.

Trong khi các phác thảo tượng vua Lý Thái Tông mà TAND Tối cao đưa ra thì lại na ná tượng vua Lý Thái Tổ vốn đã quen thuộc.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) băn khoăn: "Việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày theo tôi không có ý nghĩa gì về mặt nhận thức. Quan trọng là đạo đức, trí tuệ của thẩm phán có đủ để đem lại công lý cho người dân hay không”.

Cũng theo luật sư Quynh, việc dựng tượng và các nghi lễ liên quan còn gây tốn kém, lãng phí không cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

"Việc chọn biểu tượng công lý này thật sự có cần thiết hay không?" - luật sư Nguyễn Văn Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi. 

Biểu tượng công lý có thể bao quát hết hoạt động xét xử hay không, trong khi đây là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước nhằm xem xét, đánh giá và ra phán quyết về tính hợp pháp và tính đúng đắn của hành vi pháp luật hay quyết định pháp luật khi có tranh chấp.

Ngoài ra về thẩm quyền, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể quyết định một hình tượng của ngành tòa án hay không? Việc này sẽ tạo tiền lệ cho các cơ quan tư pháp khác đều tự mình lựa chọn một biểu tượng cho hoạt động thì sẽ ra sao?

Do đó, theo luật sư Quân, việc này cần phải có thời gian và lấy ý kiến từ nhiều ngành trong xã hội. Việc lấy ý kiến của TAND Tối cao chỉ diễn ra trong năm ngày, từ 23 đến 28-4 liệu có quá gấp gáp. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần xem xét để có quyết định đúng đắn nhất.

Một thẩm phán TAND Tối cao về hưu cũng không đồng tình với việc chọn biểu tượng công lý và dựng tượng như trên. Vì theo ông cảm nhận, không thấy đó là biểu tượng của công lý...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm