Có một chi tiết nhỏ về phía đội khách, HLV Riedl chỉ thay đủ ba cầu thủ dự bị vào sân khi ông cần thay, với dụng ý xem cuộc tập trận này như đá thật với cách thay người như điều lệ AFF Cup. Điều này khác với đồng nghiệp Hữu Thắng từng muốn thử lửa đội hình chính nhưng vì điều kiện không cho phép, ông lại tiếp tục thử nghiệm khi cho thay đến sáu cầu thủ vào sân.
Dễ thấy nhất là hai bàn thắng cuối của đội tuyển Việt Nam đều trực tiếp hay gián tiếp đến từ các cầu thủ thay người, khi họ còn sung sức, không như Indonesia đã thấy dấu hiệu yếu đuối.
Có thể đấy cũng là một cách giấu bài của HLV Hữu Thắng như một đòn tương kế tựu kế khi AFF Cup 2006 đã cận kề và đặc biệt là lúc ông chưa có đầy đủ át chủ bài trong tay. Nó còn nhằm dưỡng chân và tránh rủi ro cho một số cầu thủ chủ chốt, mà nói như HLV Hữu Thắng là ông sợ nhất họ chấn thương.
Chính vì thế người xem có cảm giác trận thắng Indonesia vẫn còn thiêu thiếu chắc chắn từ hệ thống phòng ngự lẫn sự mạch lạc trong tấn công. Rõ nhất là tình huống say mồi của các tuyển thủ Việt Nam khi tràn hết sang phần sân đối diện để đối phương chỉ tốn hai đường chuyền đã đặt đồng đội vào thế hai đánh một dẫn đến bàn thắng. Một lần may cho chủ sân Mỹ Đình ở tình huống phản đòn nhanh gần giống như vậy của Indonesia sau đó thiếu sự phối hợp để săn bàn. Ngược lại, chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi đội khách nhân đôi cách biệt.
Ở mặt trận tấn công, rõ ràng HLV Hữu Thắng có rất nhiều sự chọn lựa và đôi khi còn đau đầu vì trình độ giữa cầu thủ đá chính với dự bị không lớn. Tuy nhiên, tử huyệt của đội tuyển nằm ở ngay giữa sân, khi tiền vệ phòng ngự Hoàng Thịnh và Tuấn Anh bị đau phải ngồi ngoài.
Cú lội ngược dòng thắng Indonesia 3-2 đơn giản chỉ là giao hữu giúp đội tuyển Việt Nam nhìn ra những khiếm khuyết của mình khi chưa thực sự có đội hình mạnh nhất. Vẫn còn trận cuối tiếp Avispa Fukuoka cho thầy Hữu Thắng ráp nối các mảnh ghép một cách hoàn chỉnh nhất.