Hình ảnh một tòa nhà kiên cố ngang nhiên mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Những nhóm hội đề nghị “bứng” tòa nhà này ra khỏi vị trí hiện tại cũng đã được lập ra và nhận được nhiều lời hưởng ứng.
Trong đó, tòa nhà đã được ưu ái đặt tên là “chiếc răng sâu” đã cắm vào đỉnh Mã Pì Lèng như một hàm răng đẹp.
Từ “răng sâu” dĩ nhiên là một từ hàm nghĩa phản đối, bộc lộ sự phản đối và kỳ thị đối với một công trình hiên ngang phá vỡ cảnh quan đỉnh Mã Pì Lèng. Nhưng ở những tầng nấc sâu xa của nó, chắc chắn trong cả việc hình thành và xây dựng thành công, nếu nó là một chiếc răng thì hẳn đây là một chiếc răng rất khôn.
Bởi khôn nên mới biết chọn một ví trí rất đẹp để du khách vừa có thể ăn uống vừa có thể phóng tầm mắt ra xa để thu vào tầm mắt cảnh sắc nơi đây. Khi cung gặp cầu, lập tức nguồn thu sẽ đổ về.
Câu chuyện chiếc răng sâu hay khôn ở đỉnh đèo thật ra chỉ khác ở chỗ do vị trí mà nó cắm vào. Còn câu chuyện những địa danh bị sự tác động của con người làm biến đổi cảnh quan không còn là chuyện xưa nay hiếm.
Những "chiếc răng" cắm vào ở nhiều nơi trên non núi. Ảnh: Đỗ Bích Thúy
Anh Đỗ Quang Tuấn Hoàng, một người làm du lịch, đồng thời cũng là tác giả của nhiều đầu sách về các miền du lịch nơi mình đã đi qua từng kể lại: “Năm 2015, khi chúng tôi bắt đầu làm homestay ở Lũng Cú, Đồng Văn (Hà Giang) thì chỉ có một nhà làm thôi, vài năm sau trên đó một thôn có 40 hộ thì đã có 15 homestay rồi, có những ngày cuối tuần cực kỳ ồn ào”.
Ban đầu, những homesay đầu tiên ra đời và đem lại thu nhập tốt cho những người đầu tư, trong đó có cả người bản địa, nó trở thành những chiếc “răng” thu lời, tuy nhiên khi nó trở thành một phong trào ồ ạt, nguồn thu hạn chế thì nó lại trở thành những chiếc răng sâu, nhổ đi thì rất đau nhưng để lại cũng gây cản trở.
Bởi thế, anh Đỗ Quang Tuấn Hoàng dùng một từ khá hay khi nói về sự lựa chọn của đơn vị mình với du khách đó là “năng lực từ chối”. Tức là dù đáp ứng được nhu cầu du khách, nhưng các cơ sở của anh vẫn biết từ chối lượng khách đông đảo để giữ được bầu không khí yên bình của cảnh quan.
Những "chiếc răng" khác. Ảnh: Đỗ Bích Thúy
Năng lực từ chối theo cách nói của anh Tuấn Hoàng có vẻ như đã không có trong tư duy của chính quyền Hà Giang, bởi với một chiếc răng không phải là một mẫu thức ăn thừa sót lại trong kẽ răng để có thể khuất tầm mắt, nhưng nó vẫn cứ thế mọc lên.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy, một người con của non núi, tác giả của “Tôi đã trở về trên núi cao” khi nhìn nhận việc này đã bày tỏ: Không chỉ mọc lên ở Mã Pì Lèng, những chiếc răng xấu xí còn mọc lên ở nhiều nơi khác phía Đồng Văn. Đó là những cái nhà dân.
“Chán nhà trình tường rồi, đi làm thuê về có tiền, copy luôn cả những mẫu nhà mà nhìn mặt tiền ốp gạch hoa màu mè sẽ khó mà hình dung đấy là nhà của người Mông”, nhà văn Đỗ Bích Thúy nói.
Cũng theo chị, chúng đã mọc, đang mọc, sẽ mọc, cắm thẳng vào vách núi, mặt tiền 4-5-6 m bám tin hin vào đường ô tô. Chẳng phải buôn bán gì sất, ở cho vui thôi.
"Văn minh vật chất đã lặng lẽ triệt tiêu văn hoá Mông của bà con tôi rồi", chị thảng thốt.
Bởi thế, những chiếc răng sâu hay khôn cũng như hàm răng đẹp và kể cả người sở hữu cả răng và hàm, khi không có năng lực từ chối thì răng sâu, răng khôn hay răng sứ… cứ thế mà ra đời thôi.