Hà Giang nổi tiếng về địa hình phức tạp, nhiều núi non trùng điệp, vách đá cheo leo, thung lũng sâu cùng nhiều con suối bị chia cắt. Địa hình phức tạp lại tạo cho Hà Giang một lợi thế về phát triển du lịch với những địa danh mang dấu ấn sơn thủy đẹp đến mức khiến du khách “quên cả đường đi lối về”. Vậy khi đến Hà Giang, bạn nên đi đâu?
Đầu tiên phải check in ngay cột mốc Km 0
Nhiều người hiểu lầm là cột mốc Km 0 nằm ở biên giới để phân định lãnh thổ, nhưng thực tế không phải như vậy. Cột mốc Km 0 nằm ngay trung tâm TP Hà Giang, bên bờ sông Lô.
Du khách check in cột mốc Km 0, coi như "ghi dấu ấn" đầu tiên đến với Hà Giang. Ảnh: Phi Nga
Cột mốc Km 0 tuy không phải là một địa điểm du lịch nhưng nó lại mang ý nghĩa “ghi dấu ấn” cho các du khách từ nơi xa đến. Vì vậy, khi đến đây bạn nhất định phải “chớp” ngay một tấm ảnh tại cột mốc này coi như chiến tích đầu tiên đến Hà Giang nhé.
Tiếp theo bạn phải tham quan cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải rộng trên cả bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi đây được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010.
Đồng cỏ trải dài dưới chân núi là một trong những điểm nhấn đẹp mắt ở cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Phi Nga
Theo nhiều nguồn tư liệu, địa chất nơi đây khác lạ bởi những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng nhiều dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất. Ở cao nguyên đá Đồng Văn còn nổi tiếng với những đồng cỏ trải dài và rộng dưới chân núi hay những ruộng bậc thang nơi sườn núi, được coi là đặc trưng nông nghiệp của người dân vùng này.
Tại khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, bạn có thể tham quan nhiều địa điểm vô cùng ấn tượng sau:
- Cột cờ Lũng Cú
Tọa lạc ở nơi cao nhất của vùng đất địa đầu Tổ quốc, cột cờ Lũng Cú còn gọi là đỉnh núi Rồng, không chỉ là một trong những địa điểm đặc sắc của du lịch Hà Giang mà còn là biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước.
Du khách hào hứng khi vừa tới tham quan cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Phi Nga
Điều thú vị nhất là từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống sẽ thấy hai ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn, người dân ở đây gọi hai ao nước này là “mắt rồng”.
- Núi Đôi Quản Bạ
Còn có tên gọi khác là núi đôi Cô Tiên, ở thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Gọi là núi đôi bởi hai quả núi nằm sát nhau và rất đều khiến người ta liên tưởng đến bầu ngực căng tròn của người phụ nữ. Do vậy, địa danh này còn gắn liền với một truyền thuyết làm thổn thức lòng người. Truyện kể ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người H’Mông có tài thổi đàn môi rất giỏi. Một cô tiên trên trời đã phải lòng chàng trai từ tiếng đàn réo rắt đó. Cô trốn xuống trần, kết hôn cùng chàng và sinh một đứa con kháu khỉnh.
Núi đôi Cô Tiên là một trong những địa danh hấp dẫn đối với du khách phương xa tới. Ảnh: Phi Nga
Ngọc Hoàng biết chuyện đã vô cùng giận dữ và sai người đi bắt cô về. Thương chồng, thương con, cô đã bỏ lại đôi bầu sữa của mình dưới hạ giới để cho con bú. Đôi bầu sữa sau này đã biến thành hai quả núi và mang tên núi cô Tiên như ngày nay. Người dân nơi đây rất tự hào về địa danh gắn liền với truyền thuyết xúc động này.
- Đèo Mã Pí Lèng
Thật tiếc khi đến Hà Giang mà không tham quan cung đèo Mã Pí Lèng. Được coi là “vua” của những cung đèo ở Việt Nam, cung đường đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền TP Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Sự kết hợp giữa núi rừng hùng vĩ và vực thẳm thâm sâu khiến con đèo trở nên cheo leo nơi vách đá. Nhìn từ trên cao, đường đèo giống như một con rắn khổng lồ bò ngoằn ngoèo ôm sát sườn núi, dưới chân núi là dòng sông Nho Quế trong xanh nhưng cũng đầy bí hiểm.
Nhìn từ trên cao, đèo Mã Pí Lèng như một con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo bò quanh sườn núi. Ảnh: Đoàn Quý
Cung đường này thích hợp với những ai ưa thích phiêu lưu mạo hiểm bằng hình thức “phượt” qua đèo. Tuy nhiên, du khách phải tuyệt đối chú ý an toàn vì cung đèo này vô cùng nguy hiểm với những khúc cua rất khó quan sát.
- Kiến trúc dinh thự họ Vương
Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia năm 1993. Kể từ đó, dinh thự họ Vương trở thành địa điểm tham quan đặc sắc cho khách du lịch ở khắp mọi miền đất nước.
Kiến trúc độc đáo của dinh thự họ Vương nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Quý
Dinh thự mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc vô cùng độc đáo. Điểm đặc biệt là dinh thự được bao bọc bởi một dãy núi tạo thành một địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ khu nhà. Tất cả vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay, rồi vận chuyển những tảng đá cách thôn Sà Phìn 7 km để xây dinh.
Một cảnh sinh hoạt thường ngày của người đồng bào miền núi ở Hà Giang. Ảnh: Đoàn Quý
Ngoài ra, dân “ghiền” du lịch còn kháo nhau rằng, đi Hà Giang thì nên thuê một chiếc xe máy để có thể khám phá mọi ngõ ngách của những nơi đẹp không tưởng trên. Nếu không, bạn sẽ chẳng thể bắt gặp những bức tranh xúc động đến “rụng cả tim” của người dân địa phương trong sinh hoạt thường nhật.
Sau một ngày thu hoạch bắp (ngô), người nông dân mang sản phẩm về nhà. Ảnh: Đoàn Quý
Một cảnh bà cháu gùi đồ cồng kềnh trên con đường ngoằn ngoèo ở miền núi. Ảnh: Đoàn Quý
Hoặc thú vị hơn khi bạn nên ghé một ngôi chợ nào đó chứng kiến cảnh mua bán của các “tiểu thương” nơi đây. Đặc biệt, cảnh bán heo cắp nách sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên chuyến đi đầy ắp kỷ niệm này.
Heo cắp nách là cách người dân "cắp vào nách" một chú heo con mang ra chợ, rồi buộc dây cầm để bán. Người đi chợ nếu chọn được chú heo ưng ý thì cũng "cắp nách" mang về nhà. Trong ảnh: Cảnh bán heo cắp nách tại một ngôi chợ ở huyện Yên Minh. Ảnh: Đoàn Quý