Nhiều cầu thủ bị “phù phép” độ tuổi bằng việc cạo râu, làm trắng da, cạo lông chân…
Tại vòng chung kết U-23 châu Á đầu năm nay ở Trung Quốc, U-23 Syria (cùng bảng với U-23 Việt Nam, Úc và Hàn Quốc) cũng bị đặt vào tầm ngắm gian lận tuổi vì có cùng lúc sáu cầu thủ sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Một cựu HLV đội trẻ của Úc còn phát hiện một cầu thủ Syria trước đó từng đá nhiều giải trẻ, mãi… không chịu lớn. AFC vào cuộc điều tra nhưng khó xác định qua cách đo tuổi xương. Họ thăm dò nhiều nguồn thông tin, gặp trực tiếp các nhân viên làm hồ sơ trong Cao ủy Tị nạn LHQ để hỏi. Kết quả là hầu hết các vùng nông thôn Syria, trẻ em sinh ra không có khai sinh. Nhiều gia đình tị nạn do chiến tranh đều khai sinh con có ngày tháng sinh giống nhau, chỉ khác năm sinh. Vì thế, nghi vấn cầu thủ U-23 Syria cuối cùng… chìm xuồng.
Tương tự, Iraq cũng trải qua chiến tranh nhiều năm và thường bị đặt vấn đề gian lận tuổi ở các giải bóng đá. Nguyên nhân do nghèo đói cùng sự phân hóa sâu sắc giữa nông thôn và thành thị mang lại. Trẻ em nhiều vùng quê sinh ra tại trạm xá, bệnh viện nhỏ, thậm chí là ngay tại nhà,… nên không có giấy chứng sinh, không bị buộc làm khai sinh. Trong tờ khai sinh đối phó để nhập học, có những em lên tám, chín, thậm chí là 10 tuổi mới vào lớp 1. Cho nên những em này khi trở thành cầu thủ tham dự các giải trẻ thì vô tình (hoặc cố ý) bị gian lận tuổi. Ở các giải lớn, bị phát hiện, các em mang họa cho cả một đội tuyển hay cả nền bóng đá quốc gia khi nhận sự trừng phạt cấm thi đấu quốc tế. FIFA luôn rất nghiêm khắc xử lý nạn gian lận tuổi.
Cũng không loại trừ vì bệnh thành tích mà nhiều người lớn có trách nhiệm cải lão hoàn đồng cho các cầu thủ nhí.