Chiêu lừa mới: Mạo danh Bảo hiểm xã hội cấp lại mật khẩu VssID

(PLO)- Kẻ gian giả danh là nhân viên BHXH hỗ trợ cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID để lừa chiếm đoạt tiền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lợi dụng lòng tin và nhu cầu của người lao động (NLĐ), kẻ gian đã giả danh là nhân viên của cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Tinh vi chiêu lừa lấy lại mật khẩu VssID

Chị ĐTN cho biết mới đây do không nhớ mật khẩu VssID nên chị đã lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu phương thức lấy lại mật khẩu.

Qua đó, chị đã tiếp xúc với một tài khoản Facebook có tên Trần Lệ Giang, qua ứng dụng Messenger, người này giới thiệu là nhân viên tiếp nhận hồ sơ của BHXH Việt Nam.

Khi không nhớ mật khẩu ứng dụng VssID, người dùng sẽ được cấp lại mật khẩu miễn phí qua chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng này. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Khi không nhớ mật khẩu ứng dụng VssID, người dùng sẽ được cấp lại mật khẩu miễn phí qua chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng này. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sau khi biết nhu cầu của chị N là muốn lấy lại mật khẩu VssID, người này tư vấn rằng chỉ có cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam mới cấp lại được mật khẩu VssID. Nếu chị N muốn lấy lại mật khẩu phải đặt tiền cọc, số tiền này sẽ được chuyển trả cho chị N sau khi chị nhận được mật khẩu.

Người này còn cho biết để được nhận lại mật khẩu, chị N phải “lên hồ sơ” đăng ký qua cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, hồ sơ kèm theo gồm: CMND hoặc CCCD hai mặt, mã số sổ BHXH, thông tin cần thay đổi, địa chỉ tạm trú, số điện thoại cấp mật khẩu VssID, số tài khoản nhận lại tiền cọc.

Khi “tư vấn” xong, người này đã yêu cầu chị N chuyển khoản đặt cọc số tiền 900.000 đồng để đảm bảo đây là mã số sổ và số điện thoại của chị. Chị N đã thực hiện theo yêu cầu trên.

Sau đó, đối tượng có gửi cho chị N hình ảnh tờ khai hồ sơ xin cấp mật khẩu VssID có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận đã tiếp nhận tờ khai của người có tên “Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Hồ sơ, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam”, đồng thời yêu cầu chị N kiểm tra lại thông tin.

Tiếp đó, người này lại thông báo tiếp vì chị N ghi nội dung chuyển khoản là “tiền cọc phí cấp lại MK VssID” không đúng, mà phải ghi là “DAO THI NGAN so dien thoai 0984613xxx”. Do ghi sai nội dung chuyển nên chị N phải đóng phạt 10 triệu đồng.

Vì không đủ tiền trong tài khoản nên chị N đã chuyển tiếp vào số tài khoản này 5 triệu đồng và sửa lại nội dung chuyển tiền đúng theo yêu cầu của đối tượng.

Tiếp đến, đối tượng này lại thông báo nếu chị N muốn nhận lại số tiền đặt cọc thì phải chuyển thêm 11.800.000 đồng.

Do thấy chị N không chuyển thêm tiền, đối tượng tiếp tục gọi điện thoại thông báo rằng số tiền 5.900.000 đồng đã đóng chưa được khai báo thuế và cơ quan thuế phát hiện chị N là người trốn thuế. Đối tượng còn dọa “mức án phạt nhẹ nhất cho tội trốn thuế là tạm giam sáu tháng hoặc phạt bồi thường 550 triệu đồng, thanh tra sẽ đến làm việc”. Tiếp theo, đối tượng yêu cầu chị phải đến cơ quan BHXH Việt Nam để làm việc.

Bình tĩnh lại, chị N biết mình bị lừa nên đã liên hệ đến cơ quan BHXH Việt Nam. Nhân viên tại đây đã hỗ trợ chị lấy lại mật khẩu VssID mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.

Lấy lại mật khẩu không mất phí

Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết: “Không chỉ riêng chị N mà nhiều người dân khác cũng đã phản ánh qua tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam về tình trạng một số đối tượng yêu cầu chuyển tiền phí cấp lại mật khẩu VssID khi tìm hiểu trên mạng xã hội”.

Cơ quan BHXH Việt Nam thông tin: Hiện nay, tất cả dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về BHXH, BHYT mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí. Do đó, bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ như trên đều là hành vi lừa đảo.

Việc cấp lại mật khẩu tài khoản giao dịch BHXH điện tử được thực hiện qua chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng VssID hoặc cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam. Mật khẩu sẽ được cung cấp qua địa chỉ email mà người dân kê khai.

BHXH Việt Nam hướng dẫn: Trường hợp khi đăng ký tài khoản VssID nhưng chưa có thông tin về địa chỉ email, người dân có thể bổ sung địa chỉ email cho cơ quan BHXH nơi gần nhất.

Ngoài ra, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp đến trung tâm dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 (giờ hành chính) để được hỗ trợ.

Những chiêu lừa khác mạo danh BHXH để chiếm đoạt tiền

Ngày 6-2, do cần rút tiền BHXH một lần trước thời hạn, chị NTV (huyện Thanh Hà, Hải Dương) lên mạng tìm hiểu thông tin. Chị sử dụng tài khoản Facebook của mình để gửi thông tin vào một bài viết trên trang Facebook có tên “Bảo hiểm xã hội”. Ngay khi gửi thông tin, chị nhận được phản hồi và được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với nhân viên tiếp nhận hồ sơ có trang Facebook là “Nhàn Thanh”. Sau khi thực hiện theo lời hướng dẫn của kẻ gian, chị V đã bị lừa số là 202 triệu đồng.

Ngày 19-4, do có nhu cầu cần gộp sổ BHXH, chị Hứa Thị B, ngụ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm hồ sơ nhanh. Sau đó, chị B vào fanpage Facebook có tên: “Giải đáp thắc mắc BHXH” để hỏi và được fanpage này hướng dẫn liên hệ với nhân viên tư vấn qua Zalo https://zalo.me/0886763xxx có tên Nguyễn Linh. Sau khi làm theo hướng dẫn chị bị lừa gần 2 triệu đồng.

Giữa năm 2022, cơ quan BHXH huyện Cần Giờ, TP.HCM có nhận được thông tin phản ánh của chị NTT về việc chị bị một người tự xưng là chuyên viên BHXH Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tiền. Theo lời kể của chị T, hơn một năm trước, chị có tham gia BHXH nhưng sau đó chị nghỉ việc để sinh con. Sinh con xong, chị đến cơ quan BHXH hỏi thủ tục nhận trợ cấp thai sản nhưng không đủ điều kiện nên không được giải quyết.

Vài tháng sau, chị T truy cập Facebook thấy có trang BHXH Việt Nam cùng những dòng chữ “cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn; làm lại sổ BHXH; hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”. Chị NTT tin lời kẻ gian làm theo hướng dẫn và bị lừa số tiền gần 1 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm