Ngày 27-9, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ cho biết, bắt đầu từ ngày 3-10 viện này sẽ tổ chức công chiếu các phim tài liệu với chủ đề “Ðối diện biển cả” (Facing to the ocean: selected documentaries from Vietnam) của các đạo diễn Phan Huyền Thư, Lê Ngọc Thanh và Lê Ðức Hải tại 15 trường đại học ở vùng Đông Bắc (Hoa Kỳ).
Theo đó, kinh phí tổ chức, mời các đạo diễn và người thuyết trình sang giới thiệu do các Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng IVCE đóng góp.
Poster của các bộ phim về chủ quyền biển đảo VN được công chiếu tại Hoa Kỳ.
Mục đích của chương trình chiếu phim “Ðối diện biển cả” nhằm tăng cường sự hiểu biết của sinh viên Việt Kiều, người Mỹ và truyền thông Mỹ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam (IVCE) cho biết cá nhân ông luôn có tình yêu mãnh liệt đối với quê hương và chủ quyền biển đảo Việt Nam. "Tôi mong muốn có thể đóng góp phần công sức có thể làm được để bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam. Trong năm 2012, tôi đã thu thập các tài liệu bản đồ cổ quý giá của Việt Nam, Phương Tây và cả của Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Tôi đã gửi về Việt Nam để phục vụ công tác đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền. Năm 2014, tôi muốn tiếp tục giới thiệu chủ quyền biển đảo Việt Nam đến các trường đại học Hoa Kỳ để cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền biển Việt Nam đối với Hoàng Sa-Trường Sa"- ông Thắng tâm sự.
Ông Trần Thắng cho biết bộ phim đầu tiên với tựa đề "Những câu chuyện nhỏ được kể trên biển lớn" nói về sự gặp gỡ tình cờ của những người từ đất liền ra thăm người thân hiện đang sinh sống và làm nghĩa vụ quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên chuyến tàu đó, mọi người làm quen và kể cho nhau nghe câu chuyện về những người chồng, người con, người cha của mình đang làm nhiệm trên các hòn đảo như Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh... đầy vinh quang.
Câu chuyện đặc biệt được kể qua tâm sự của hai cựu chiến binh trong chiến tranh chống Mỹ cùng quê ở Thanh Hóa. Họ đều lần đầu tiên được phép ra Trường Sa để nhận phần mộ của hai người con trai. Cả hai liệt sĩ đều hi sinh khi mới chỉ ngoài 20 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyên và đó chính là "Những câu chuyện nhỏ được kể trên biển lớn".
Bộ phim thứ hai mang tựa đề “Chạm tới biển”. Đây là một câu chuyện nối dài ký ức quá khứ, hiện tại và tương lai với hai nhân vật trong hành trình tìm lại nhau, cũng là tìm lại chính quê hương bản ngã của mình. Thông qua tiến trình này, các đạo diễn muốn đặt câu hỏi cho mọi người về ý nghĩa của sự chia ly và sự hợp nhất. Tác phẩm như một lá thư bằng hình ảnh và ở đó công chúng có thể đón nhận theo cách riêng và tự cảm nhận của mình thông qua tác phẩm “Chạm tới biển”.
Và bộ phim thứ ba với tựa đề "Hải Thương Việt Nam Thế Kỷ 17-18". Bộ phim nói về Việt Nam có một không gian biển rộng lớn với hơn 3.000 hòn đảo và hơn 3.600 km đường bờ biển. Việt Nam nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, nên biển đảo Việt Nam không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu kinh tế và văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Người Việt đã chinh phục biển đảo và kết nối với mạng lưới hải thương thế giới, góp phần hình thành các “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ”, “con đường gia vị”... ở trên Biển Đông và vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Bộ phim còn nói về hành trình vươn ra biển của người Việt từ đầu Công nguyên và quá trình tham gia vào mạng lưới hải thương thế giới. Đặc biệt là trong thời đại “Đại thương mại thế giới” (Grand commerce age) vào các thế kỷ 17-18, khi mà cảng thị (trade port) nổi tiếng của Việt Nam như Phố Hiến, Cửa Lò, Cửa Việt, Thanh Hà - Bao Vinh, Hội An, Nước Mặn… tấp nập tàu buôn các nước Trung QUốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,... đến mua bán và tàu buôn Việt Nam cũng vượt biển đi buôn bán với các nước trong khu vực châu Á. Ngoài ra phim còn giới thiệu những dấu tích về văn hóa biển (maritime culture) của Việt Nam trong hàng trăm năm qua.