Chim trời, cá nước và quy ước lạ ở Cà Mau

Nội dung quy ước “dân ở ấp này không được đánh bắt cá trên (đoạn) sông của ấp kia” ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau khiến chúng ta thấy sai sai khi soi chiếu với quan niệm dân gian chim trời, cá nước. Về pháp lý, chúng ta càng thấy quy ước này có nội dung trái với các quy định pháp luật hiện hành.

Cần phải khẳng định ngay rằng hương ước, quy ước góp phần kiến tạo các quy tắc xử sự chung cho cộng đồng dân cư, giúp cộng đồng dân cư giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hướng đến nếp sống mới văn minh, nghĩa tình trong cộng đồng. Ở nhiều địa phương, hương ước, quy ước còn phát huy dân chủ cơ sở, góp phần đoàn kết cộng đồng dân cư, cam kết thực hiện các biện pháp gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Quy ước lạ ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau quy định sông của ấp nào chỉ người dân của ấp đó được đánh bắt cá, cấm người ấp khác đến đánh bắt. Ảnh: TRẦN VŨ

Để có một hương ước, quy ước phải trải qua nhiều bước. Trước hết, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố chủ trì tổ chức hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản dự kiến.

Khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì sẽ lựa chọn, cử người tham gia tổ soạn thảo hương ước, quy ước. Trong đó, thành viên tổ soạn thảo phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm sống và có hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương...

Tiếp đến, địa phương sẽ lấy ý kiến dự thảo và thông qua. Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

Đặc biệt, để một hương ước, quy ước có giá trị là phải được UBND cấp huyện công nhận hương ước, quy ước. Trong đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được công nhận là nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc chỉ quy định về nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan... (theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg).

Người phụ nữ (trái) từng bị doạ lập biên bản xử lý vì đánh bắt cá ở ấp khác; còn người đàn ông thì từng dựa vào quy ước để doạ lấy đồ đạt của người ngoài ấp vào ấp mình câu cá sông. Ảnh: TRẦN VŨ

Chúng ta chưa rõ quy ước ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau có được ban hành đúng trình tự, thủ tục hay không (vì các cấp chính quyền chưa cung cấp thông tin). Tuy nhiên, hương ước, quy ước phải thúc đẩy tình đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải để đặt ra các quy định tùy tiện, gây khó khăn, cản trở đời sống, sinh hoạt của người dân.

Theo Luật Thủy sản 2017, nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định.

Về việc khai thác thủy sản, Điều 50 Luật Thủy sản 2017 quy định việc đánh bắt cá trên sông chỉ phải đăng ký khi tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, các trường hợp khác không có quy định cấm hay đăng ký.

Một số điều kiện khai thác khác được đưa ra như không sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản...

Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào quy định kiểu như “dân ấp nào chỉ được quyền đánh bắt cá trên sông ở ấp đó”, “dân xã này không được đến sông ngòi, kênh rạch của xã kia đánh bắt cá”...

Vì vậy, quy ước sông của ấp nào chỉ người dân của ấp đó được đánh bắt cá ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là quy định ngăn cấm một cách bất hợp lý, xâm phạm đến quyền tự do khai thác thủy sản của người dân. Quy định này vô hình trung còn gây ra những hục hặc, tranh chấp không đáng có giữa cư dân các ấp trong xã với nhau, làm ảnh hưởng đến tình cảm, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Theo chúng tôi, các cấp chính quyền địa phương nên kiểm tra, rà soát và xem xét bãi bỏ nội dung nói trên trong quy ước này. Đồng thời, địa phương có thể gợi ý bà con cùng xây dựng quy ước quy định về khai thác, đánh bắt cá hợp lý nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để được khai thác lâu dài; tránh tình trạng khai thác tận diệt, làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới