Chính phủ đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

(PLO)- Tờ trình mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội chưa nêu rõ thế nào là phòng thủ dân sự và các đại biểu chưa thống nhất về tình trạng khẩn cấp để áp dụng phòng thủ dân sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Theo Điều 1 dự thảo, Luật này quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, dự thảo lại chưa giải thích thế nào là phòng thủ dân sự, bởi vậy khi thẩm tra, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng, An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm này để làm rõ các định hướng lớn của Luật.

Tại tờ trình, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho hay Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đó, phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Lý do bởi tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự. Việc quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) tại Luật này là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố.

Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là các biện pháp hợp hiến, hợp pháp, áp dụng được ngay một cách thuận lợi khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau (tiền khẩn cấp và khẩn cấp); kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong thời gian qua...

“Thực tế thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố” - tờ trình Chính phủ nêu.

Dự thảo Luật đang thể hiện theo phương án 1, từ Điều 29 đến Điều 33. Theo ông Cương, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án này, chỉ một ý kiến không đồng ý.

Trong khi đó, phương án 2 là không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Theo đó, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp 2013, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp 2000; Luật An ninh quốc gia 2004, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, Luật Trưng mua, trưng dụng 2008, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Luật Quốc phòng 2018, Luật Dân quân tự vệ 2019.

Một lý do khác cho việc lựa chọn phương án này là việc không quy định về tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật để tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, việc không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.

Việc thiếu các quy định về tình trạng khẩn cấp dẫn đến khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự phải áp dụng nhiều văn bản nhưng vẫn không đầy đủ quy định điều chỉnh.

Đối với 13 loại thảm họa, sự cố quy định tại Điều 5 dự thảo Luật này thì một phần được thể hiện tại các luật chuyên ngành nhưng các luật đó chưa bao quát đầy đủ về tình trạng khẩn cấp và chưa có điều chỉnh hợp lý về tình trạng khẩn cấp.

Điều 30. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp

1. Khi thảm họa, sự cố đã công bố tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau đây:

a) Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào nơi có thảm họa, sự cố.

b) Áp dụng các biện pháp phong toả, cấm tụ tập đông người.

c) Cấm người, phương tiện đi lại vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

d) Áp dụng những biện pháp quản lý đặc biệt đối với chất cháy, chất nổ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

đ) Áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt đối với việc sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc.

e) Buộc những người có thể gây ra thảm họa, sự cố rời khỏi địa bàn có tình trạng khẩn cấp hoặc không được rời khỏi nơi thường trú hoặc một khu vực nhất định khác.

g) Dừng hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

h) Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn.

i) Đình chỉ các chuyến vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ xét thấy không thật cấp thiết ra vào địa bàn có tình trạng khẩn cấp; chỉ định sân bay hạ cánh cho tàu bay, hải cảng cập bến cho tàu thuyền, nhà ga cho tàu hoả, điểm đỗ cho ô tô và các phương tiện giao thông khác, kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay quá cảnh qua địa bàn có tình trạng khẩn cấp.

k) Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

l) Áp dụng biện pháp quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 31. Các biện pháp, chính sách áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm

1. Trong địa bàn có tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm, ngoài các biện pháp quy định tại Điều 30 của Luật này, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, một hoặc một số biện pháp sau đây có thể được áp dụng:

a) Kiểm soát giá bán đối với một số mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, sản xuất hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

b) Tổ chức các đội công tác chống dịch khẩn cấp thuộc cơ quan y tế, cơ quan kiểm dịch.

c) Xây dựng các bệnh viện dã chiến để ứng phó dịch bệnh.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm