Một quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản cho biết nhà nước sẽ chi tiền để can thiệp ở mức độ nhất định vào công việc kinh doanh của TEPCO.
Việc chính phủ quản lý TEPCO là điều cần thiết nhằm đối phó với sự cố có thể kéo dài tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, và chuẩn bị cho việc khởi tố đòi bồi thường một khoản tiền khổng lồ cho người dân sống gần nhà máy.
Lính cứu hỏa Nhật Bản phun nước làm nguội lò phản ứng số 3 của nhà máy điện Fukushiman. (Ảnh: AFP/TTXVN
Để có nguồn tài chính cần thiết cho việc tiếp tục đối phó với sự cố và duy trì hoạt động cung cấp điện cho nhà máy, TEPCO đã nhận được nguồn vốn khẩn cấp khoảng 1.900 tỷ yen (hơn 140 tỷ USD) từ ba ngân hàng lớn của Nhật Bản.
Tuy nhiên, TEPCO còn phải đối mặt với các khoản chi phí khổng lồ để hủy bỏ các lò phản ứng tại nhà máy này cũng như các khoản tiền bồi thường lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ yen - những khoản chi mà TEPCO khó có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản sẽ không chi trả quá 50% các khoản phải thanh toán vì làm như vậy sẽ trở thành hành động quốc hữu hóa TEPCO.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 1/4/201 cho biết chỉ số lòng tin trong giới kinh doanh của các công ty lớn ở Nhật Bản đã tăng nhẹ trong tháng Ba so với ba tháng trước đó.
Theo kết quả thăm dò của BOJ đối với 11.101 công ty, chỉ số lòng tin của các nhà sản xuất lớn đã tăng từ mức +5 hồi tháng 12/2010, lên mức +6 trong tháng 3/2011. Đây là mức tăng lần đầu tiên trong hai quý vừa qua.
Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia kinh cho rằng chỉ số trên sẽ giảm mạnh, xuống còn +2 đối với các doanh nghiệp sản xuất và +1 đối với các doanh nghiệp phi sản xuất. Nguyên nhân là giá dầu tăng cao trong bối cảnh bạo loạn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo TTXVN/Vietnam+