“Tách thửa chuyển nhượng và chuyển mục đích đất nông nghiệp đang là một vấn đề nóng, đề nghị các quận, huyện nghiên cứu thêm. Nếu phó mặc cho văn phòng đăng ký đất đai (VPĐK) là sai, còn nếu chỉ giao cho mỗi phòng TN&MT xem xét giải quyết thì không chặt chẽ”. Ngày 30-12, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, lưu ý các quận, huyện tại hội nghị sơ kết một năm thi hành Luật Đất đai 2013.
Quận đồng ý, Sở mới cho tách thửa
Ông Hồng cho hay theo văn bản của giám đốc Sở TN&MT gửi các quận, huyện về quy chế phối hợp trong thực hiện thủ tục tách thửa, chuyển nhượng đất, trước khi tách thửa, người có nhu cầu phải được quận, huyện có ý kiến. Sau khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan công chứng thì hồ sơ chuyển cho chi nhánh VPĐK và trình Sở TN&MT ký giấy chứng nhận (GCN). “Vấn đề không phải chỉ là đảm bảo đủ diện tích tách thửa mà còn phải xem xét đến cơ sở hạ tầng của khu vực, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương” - ông Hồng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho rằng Sở không ngại khi ký GCN nhưng phải nghĩ đến sự phát triển chung của địa phương và TP. “Chúng ta cần phải tránh việc lợi dụng chính sách để thu lợi mà không phải bỏ tiền đầu tư hạ tầng và phá vỡ quy hoạch. Trường hợp người dân có nhu cầu có thật, tách thửa để chia cho con thì xem xét nhưng tách thửa để kinh doanh bất động sản thì không nên” - ông Thắng lưu ý.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, người dân tách thửa để chia cho con thì xem xét nhưng tách thửa để kinh doanh bất động sản thì không nên. Ảnh: HTD
Người dân bị vạ lây
Về đăng ký và cấp GCN, ông Nguyễn Văn Hồng cho hay sau khi thành lập VPĐK một cấp, thẩm quyền cấp GCN thay đổi đáng kể, nhất là thẩm quyền cấp đổi, cấp lại GCN, cấp mới GCN cho người sử dụng đất, cấp GCN cho người mua nhà tại dự án nhà ở.
“Trước đây, những trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện nay thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, từ đó dẫn tới hồ sơ do Sở giải quyết gia tăng. Việc này tốn kém thời gian, nhân lực, quá tải, tăng chi phí, chậm trễ giải quyết hồ sơ cho người dân, không đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính” - phía Sở TN&MT nhận xét.
Sở TN&MT cũng cho biết thêm Sở đang kiến nghị Bộ TN&MT nghiên cứu sửa đổi quy định về phân cấp thẩm quyền cấp GCN cho quận, huyện. Theo Sở TN&MT, tính đến nay VPĐK đã giải quyết gần 2.900 lượt hồ sơ cập nhật biến động trên GCN và gần 21.000 lượt hồ sơ với hộ gia đình, cá nhân.
Nên cấp GCN cho người mua giấy tay sau 1-7-2004 Báo cáo của Sở TN&MT cho biết tính đến nay, TP.HCM đã cấp hơn 1,4 triệu GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân và đạt tỉ lệ 92,8%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 109.000 hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp GCN. Trong đó, số hồ sơ vướng mắc do mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 chiếm tỉ lệ nhiều nhất. “Sở TN&MT đã báo cáo TP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét giải quyết cấp GCN đối với trường hợp nhà, đất không có giấy tờ hợp lệ, người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 đang sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại” - lãnh đạo Sở cho hay. |