Với kết luận chính thức từ CQĐT Bộ Công an liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, đã có 14 bị can bị khởi tố về các tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa, nhận hối lộ.
Đáng chú ý, bị can Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG) đã “bôi trơn” bằng việc hối lộ các lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone…, trong đó có hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tổng số tiền hơn 6,2 triệu USD.
Hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều lãnh đạo MobiFone nhận hối lộ hơn 6,2 triệu USD. Ảnh: PLO
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Vũ đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ vụ việc. Đặc biệt, bị can chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ MobiFone (cả gốc và lãi), chi phí dự án, từ đó góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho Nhà nước.
Đồng thời, ông Vũ có nhân thân tốt nên được CQĐT đề nghị quá trình truy tố, xét xử cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng hình với bị can.
Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm là tại sao ông Vũ và một số cá nhân có liên quan đã hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và trả lại toàn bộ số tiền cho MobiFone nhưng vẫn bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng?
Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) khẳng định: Tại thời điểm mà AVG và MobiFone ký kết hợp đồng chuyển nhượng đã cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 220 BLHS.
Việc hủy hợp đồng và trả lại tiền cho MobiFone nhằm khắc phục hậu quả cũng không phải là căn cứ theo quy định của BLHS để không bị xử lý vì tội phạm đã hoàn thành. Đây là tình tiết chỉ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
“Do đó, hai cựu bộ trưởng và một số bị can liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra là điều hiển nhiên” - luật sư Long nói.
Một vấn đề khác mà bạn đọc cũng quan tâm đó là việc CQĐT đề nghị cho Vũ hưởng “chính sách hình sự đặc biệt”. Vậy đề nghị này được hiểu thế nào?
Theo ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), BLHS hiện hành không quy định cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”. Có chăng trong một số trường hợp như người già yếu, bị bệnh HIV... phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị kết án tử hình, tù chung thân nhưng được hoãn thi hành hay giảm án…
Trong vụ này, có thể hiểu chính sách đặc biệt là ông Vũ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhất là kịp thời ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng, tránh gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho Nhà nước nên Vũ cần được xem xét giảm án.
Cụ thể hơn, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định: Ông Vũ có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS sau đây:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm…
Như vậy, theo Điều 54 BLHS, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của bộ luật này đối với ông Vũ.
Nói cách khác, thay vì đối diện với mức án lên đến 20 năm tù (khoản 4 Điều 364 BLHS) như đã bị khởi tố thì ông Vũ sẽ chịu mức phạt tối đa là 12 năm tù (khoản 3 Điều 364 BLHS) nếu đề nghị của CQĐT được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.