Ý kiến nhân dân là cần thiết
Ngỏ lời với các đại biểu tham gia tọa đàm, ông Nhân nói: “Chúng ta là người làm thực tiễn, không đợi khoa học chín muồi trong mỗi con người rồi mới hành động mà hãy hành động vì cuộc sống. Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không dám nói sâu về những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến và kiến nghị của người dân”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân: "Chính sách tốt là phải được đa số người dân đông thuận". Ảnh: THÀNH TRUNG
Ông Nhân cho rằng tìm hiểu những gì người dân nghĩ và mong muốn vừa là nhu cầu, vừa là chức năng của MTTQ như đã được hiến định và luật hóa. Luật MTTQ đã nói rõ: MTTQ Việt Nam đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều đó yêu cầu MTTQ Việt Nam phải biết nhân dân đang nghĩ gì và đây cũng là cốt lõi trong công tác giám sát của MTTQ Việt Nam.
“Ý kiến của nhân dân về các chủ trương của Đảng, Nhà nước, những sáng kiến giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc là trọng tâm của yêu cầu này”, ông Nhân khẳng định.
Đề cập đến những bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước mỗi kỳ họp Quốc hội, ông Nhân chia sẻ: “Mỗi lần Quốc hội họp, MTTQ nhận được 2.000 đến 3.000 kiến nghị nhưng chỉ có 15 phút để báo cáo. Chính vì vậy, Mặt trận cần lựa chọn những vấn đề phản ánh được ý kiến, tâm tư của đa số, hoặc những vấn đề có tính dự báo để báo cáo trước Quốc hội”.
Theo ông Nhân, mong muốn nhân dân hiểu về tình hình đất nước, hiểu về sự phát triển xã hội, tình hình quốc tế và có thái độ tích cực với sự phát triển đất nước thì phải phản hồi những ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận, khuyến khích nhân dân có sáng kiến và thay đổi nhận thức. Trong đó, vai trò của tuyên giáo và truyền thông là rất quan trọng.
Việc lấy ý kiến nhân dân, ông Nhân cho rằng đối với việc xây dựng chính sách cũng quan trọng không kém bởi người dân là đối tượng bị ảnh hưởng, chi phối bởi chính sách đó. Ông Nhân lưu ý rằng: “Không phải chính sách nào cũng được người dân ủng hộ nhưng dứt khoát một chính sách tốt thì phải được đa số người dân ủng hộ”.
Phải để dân “mở miệng ra”
Góp ý tại tọa đàm, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhận định: Người dân đặt nhiều câu hỏi về việc phản ánh ý kiến vì có thể ý kiến của người dân không được giải quyết thấu đáo.
“Phải có cơ chế gì đó để người dân mở miệng ra. Phải làm sao để người dân nói hết tâm tư nguyện vọng của mình, dù họ có nói rát lòng như thế nào đó thì cũng phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết”, ông Ngời nói.
Ông Trần Tấn Ngời: "Dù dân có nói rát lòng cũng phải có cơ chế lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ". Ảnh: THÀNH TRUNG
Ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, lấy ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói rằng: “Dân chủ là phải để người ta mở miệng ra. Một cơ thể bệnh tật thì phải nói ra bệnh người ta mới biết đường chữa bệnh”.
Lấy hàng loạt những bất cập trong các thông tư, nghị định và nhất là BLHS 2015 mới đây, ông Đương nói rằng: “Làm chính sách không cẩn thận dẫn đến mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển. Xã hội còn nhiều bức xúc nhưng chất lượng giám sát hạn chế và kiến nghị sau giám sát cũng chung chung, tiếp thu cũng vậy mà không cũng chẳng sao. Nếu các ý kiến của cử tri chỉ tổng hợp theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" thì ĐBQH, MTTQ Việt Nam chỉ giống chim bồ câu đưa thư”.
Ông Đỗ Văn Đương: "MTTQ Việt Nam phải tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị, tránh tình trạng ném đá ao bèo". Ảnh: THÀNH TRUNG
Từ đó, ông Đương đề nghị MTTQ Việt Nam phải có giải pháp tăng cường giám sát, kích hoạt các cảm biến xã hội để các kiến nghị đi vào thực tế, không để bất cứ rào cản nào làm ảnh hưởng đến việc đưa ý kiến người dân đến được các cơ quan thẩm quyền. “Phải tăng cường giám sát việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát, tránh tình trạng buông xuôi, ném đá ao bèo”, ông Đương thẳng thắn.
Đồng tình, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban (UB) Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: Việc nắm bắt những ý nguyện của nhân dân phải theo từng đối tượng khác nhau để thể hiện ý kiến, kiến nghị của họ.
“Báo cáo kiến nghị của MTTQ Việt Nam trước Quốc hội phải phát huy hơn nữa sức mạnh của MTTQ Việt Nam các các tổ chức thành viên, của từng người dân, cùng với đó cũng cần hướng tới mục đích của từng kỳ họp Quốc hội”, GS Đường đề xuất.
Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cũng cho rằng: Việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân phải đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực và mang tính xây dựng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân góp phần tăng tính hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Ông Trình cũng đề xuất phải mở chuyên mục thu thập ý kiến của nhân dân trên cổng thông tin điện tử của UB Trung ương MTTQ Việt Nam và trên mạng xã hội như Facebook, Twiter… đặc biệt là những thời điểm có tình hình nóng bỏng xảy ra cần phải tập hợp thông tin kịp thời
Về góc độ này, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói: “Môi trường điện tử là một kênh tiếp nhận thông tin rất quan trọng. Các trang tin điện tử của Mặt trận địa phương có thu hút người dân phản ánh vấn đề và có thu thập được ý kiến của người dân hay không. Về lâu dài, Mặt trận phải quan tâm đến phương tiện này”.