Sáng 5-1, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1 tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Dự án do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư. Tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không quốc tế, từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu vận chuyển hàng không vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt trên 65 triệu hành khách; năm 2030 đạt trên 80 triệu hành khách. Nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua các cảng hàng không ngày càng lớn trong bối cảnh hạ tầng hàng không chưa được cải thiện đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới. Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá, sau khi đi vào hoạt động, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP 3%-5%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cảng HKQT Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế. Đồng thời khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong thời gian qua, với sự đồng thuận của Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là nhân dân tỉnh Đồng Nai tích cực đồng thuận trong giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án với trên 2.200 ha đất đã được GPMB.
Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, đảm bảo sinh kế cho bà con thuộc diện di dời của dự án.
Sẽ là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết: Theo thiết kế, dự án Cảng HKQT Long Thành được đầu tư xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, là cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển HKQT của khu vực.
Tiêu điểm
Gần một thập niên từ quy hoạch đến ngày khởi công Ngày 24-10-1997, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Đến ngày 14-6-2011, quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành được chính thức cụ thể hóa khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch sân bay Long Thành. Sân bay Long Thành được quy hoạch tại vị trí nằm trên sáu xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành. Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được phân kỳ thành ba giai đoạn đầu tư. Sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trên diện tích 5.000 ha. Ngày 6-11-2018, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC sân bay Long Thành với tổng vốn gần 23.000 tỉ đồng. Đồng thời, Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB cho dự án. Gần 10 năm sau ngày quy hoạch được phê duyệt, vào ngày 11-11-2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Theo kế hoạch, sau khi khởi công dự án, các đơn vị sẽ triển khai các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng, dự kiến giải ngân khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm nay. Tháng 7-2022 xây dựng nhà ga hành khách, tháng 8-2022 xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và tháng 12-2025 hoàn thành các hạng mục công trình và đưa Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.
Cảng HKQT Long Thành sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương. Bên cạnh đó, bảo đảm khai thác hiệu quả, chính xác, độ tin cậy cao với đầy đủ chức năng dự phòng, tiết kiệm năng lượng, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kết nối hạ tầng giao thông khu vực
Trong hạng mục đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vừa được Chính phủ phê duyệt, ngoài các công trình phục vụ hoạt động của sân bay còn có hạng mục hai tuyến đường giao thông kết nối gồm tuyến đường số 1 và 2. Cụ thể, tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến Cảng HKQT Long Thành, quy mô sáu làn xe và tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1 (song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), quy mô bốn làn xe.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hạ tầng giao thông kết nối đóng vai trò như mạch máu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, chỉ khi hạ tầng phát triển thì kinh tế mới có thể cất cánh. Do đó Thủ tướng chỉ đạo Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Bộ GTvT sớm có phương án kết nối giao thông với Cảng HKQT Long Thành đồng bộ, kể cả phát triển các khu đô thị, hệ thống dịch vụ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi đã có sân bay thì phải có mạng lưới giao thông kết nối để khai thác hiệu quả, tránh tình trạng ùn tắc giao thông. Cảng HKQT Long Thành không chỉ kết nối Đồng Nai với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ cũng như cả nước mà còn kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực.
Ông Dũng cho hay ngoài các tuyến giao thông lớn do trung ương đầu tư, Đồng Nai cũng đang quy hoạch các tuyến giao thông kết nối nhằm đưa Cảng HKQT Long Thành trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng. Về quy hoạch giao thông, tỉnh đã tính toán kỹ. Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.
“Kết nối hạ tầng giao thông là một việc rất lớn, vì không có hạ tầng và các tuyến đường kết nối sẽ không phát huy được giá trị kinh tế - xã hội mang lại từ Cảng HKQT Long Thành. Do đó, từ nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai đã định hướng để thực hiện song hành với quy hoạch của trung ương nhằm kết nối liên vùng, tạo động lực cho địa phương, vùng phát triển nhanh và bền vững” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Giải quyết tốt nguyện vọng của người dân Trong ngày khởi công xây dựng Cảng HKQT Long Thành, người dân khu vực bị giải tỏa háo hức nhưng vẫn còn nhiều tâm tư, nguyện vọng. Người dân mong Chính phủ mở rộng đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, mua nhà tái định cư (TĐC), có chính sách hỗ trợ cho người lao động lớn tuổi trong vùng dự án để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với sức lao động. Ông Văn Bạch (87 tuổi, ngụ xã Bình Sơn), là hộ dân bị giải tỏa trắng vùng dự án và mới nhận được đất TĐC, cho hay: Hơn 10 năm nay, cuộc sống của gia đình ông cũng như người dân trong vùng trở nên thấp thỏm, lo âu bởi dự án kéo dài chưa được triển khai. Nay sân bay khởi công, ông và những người dân nơi đây vô cùng háo hức, vui mừng. “Nay dự án đã khởi công nên chúng tôi rất mừng và mong chủ đầu tư tiến hành làm nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong chính quyền đẩy nhanh hơn nữa công tác nhận tiền đền bù và cấp nền TĐC ở giai đoạn 2 của dự án để chúng tôi ổn định cuộc sống” - ông Bạch mong muốn. Theo ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, trên diện tích thu hồi làm dự án sân bay 5.000 ha có hơn 4.300 hộ dân cần phải TĐC. Riêng khu vực ưu tiên để khởi công giai đoạn 1 phải TĐC cho khoảng 800 hộ dân. Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án, thời gian qua các cơ quan chức năng của huyện đã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ bố trí TĐC cho người dân. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện trước đối với các hộ dân trong khu vực ưu tiên GPMB. “Để phục vụ người dân xây dựng nhà tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn, hiện nay địa phương đã lập tổ công tác gồm các ngành của huyện để hướng dẫn người dân trong việc xây dựng nhà tại khu TĐC” - ông Tiếp cho biết.