Quốc hội bỏ phiếu thông qua điều luật về chuyển đổi giới tính (Điều 37, dự thảo BLDS sửa đổi) sáng nay 24-11.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 37 (Dự thảo BLDS sửa đổi) về chuyển đổi giới tính với tỉ lệ tán thành là 80,77%, vẫn còn 43 đại biểu không tán thành (chiếm 8,7%) và bốn đại biểu không bỏ phiểu (chiếm 0,81%) đối với điều luật này.
Điều 37 về chuyển đổi giới tính tại BLDS sửa đổi vừa được thông qua quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trao đổi nhanh với PV báo Pháp Luật TP.HCM sau khi Quốc hội ấn nút thông qua BLDS sửa đổi, trong đó có quy định về việc chuyển đổi giới tính, một số đại biểu Quốc hội cho hay: Điều này có nghĩa là việc chuyển đổi giới tính vẫn còn cần phải chờ một luật riêng (ví dụ: Luật chuyển đổi giới tính) thì cá nhân mới có căn cứ để thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình.
Cũng theo ông Lý, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.
Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Ông Lý cho biết kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Như vậy, sau nhiều bàn thảo, quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân đã được pháp luật chính thức thừa nhận. Đây là bước tiến dài so với quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, Điều 36 BLDS 2005 chỉ cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính trong các trường hợp: giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.