Theo đó dự thảo vừa quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, lại vừa quy định cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và quyền nhân thân khác. Quy định như vậy là không hợp lý và mâu thuẫn nhau.
Ông Nguyễn Văn Khôi - cán bộ giảng dạy Khoa Luật (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng các giảng viên của khoa thống nhất ý kiến thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. "Tuy nhiên, vấn đề là những người đã kết hôn mà chuyển đổi giới tính thì vô tình trở thành quan hệ hôn nhân đồng giới. Trong khi đó, Luật Hôn nhân và gia đình lại cấm kết hôn đồng giới" - ông Khôi nêu.
Ông Nguyễn Văn Khôi (Khoa Luật - ĐH Cần Thơ) cho rằng nếu người đã kết hôn mà chuyển giới thì vô tình họ thành người có quan hệ hôn nhân đồng giới. Ảnh: N.NAM
Cũng vì lo ngại hôn nhân đồng giới nên một cán bộ tòa án cho rằng không nên cho phép cá nhân được chuyển giới trừ khi họ bị khiếm khuyết giới tính do bẩm sinh. Báo cáo giải trình và tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống văn bản pháp luật liên quan y tế, baỏ hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...
Nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật.