Clip Nguyễn Hữu Toàn (Jessica) chia sẻ những khó khăn sau khi chuyển giới thành công từ Thái Lan tại Hội nghị Tham vấn "Hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền nhân thân trong dự thảo BLDS (sửa đổi)"
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu tại hội nghị tham vấn hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền nhân thân trong dự thảo BLDS sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức ngày 10-7.
Hội nghị tham vấn. Ảnh: PL-NN
Ông Lương Thế Huy – cán bộ pháp lý Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, cho rằng Điều 36 dự thảo quy định về quyền xác định lại giới tính. Tuy nhiên, quy định này lại có mâu thuẫn: đoạn trên thì cho phép cá nhân xác định lại giới tính nhưng đoạn dưới thì lại quy định nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, tức là không cấm nhưng không thừa nhận. Quy định vậy sẽ tạo nên những trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng cuôc sống của nhóm LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Từ đó tạo nhận thức đó là số phận của họ, tạo nên bất công và định kiến về tính chính đáng. Ông Huy đề nghị bỏ quy định “nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính”.
Hiện nay, Điều 36 BLDS 2005 quy định “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính”. Tuy nhiên, việc xác định lại giới tính của một người chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó “có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Từ đó, Nghị định 88/2008 của Chính phủ đã nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính cho những người có cơ thể hoàn chỉnh mà muốn sử dụng phẫu thuật để chuyển đổi giới tính.
Ông Lương Thế Huy - cán bộ pháp lý Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và mội trường) đang phát biểu về quyền được chuyển đổi giới tính cho nhóm LGBT.
Theo đại diện nhóm, không nên hiểu rằng đồng ý cho chuyển đổi giới tính là cho phép kết hôn đồng giới. Hai vấn đề này khác nhau nhưng nếu cho chuyển giới thì sẽ giải quyết được kết hôn vì khi đó giới tính đã được xác định lại.
“Cũng có ý kiến cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ không phù hợp văn hóa. Tuy nhiên, tôi cho rằng văn hóa truyền thống cần tôn trọng nhưng đừng xơ cứng, phải có những thay đổi cho phù hợp nguyện vọng của những người liên quan mà không làm ảnh hưởng đến ai. Tôi đồng ý là cần thận trọng trong việc cho phép chuyển giới nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc không thừa nhận sẽ gây rắc rối hơn. Cấm hay không cấm thì không làm cho người ta ngừng khao khát về giới tính thật. Chẳng hạn, những người đã chuyển đổi giới tính không thực hiện được các quyền chính đáng của mình (quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe), không có khả năng tham gia vào đời sống dân sự thông thường như CMND vẫn để giới tính cũ nhưng ngoại hình lại hoàn toàn khác… Có thể việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ làm tăng công việc cho nhà nước nhưng đó là quyền con người phải được bảo vệ” – ông Huy nói.
Bà Tiêu Thị Ái Nhi - ban điều hành Hội phụ huynh, người thân nhóm LGBT Bình Dương đang phát biểu tại hội nghị
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Mạnh (Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ) và nhiều ý kiến đề nghị cho phép xác định lại giới tính đối với người bị khuyết tật bẩm sinh về cơ quan sinh dục khiến việc xác định giới tính không rõ ràng, cần phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết. Riêng vấn đề “chuyển đổi giới tính” thì không nên cho phép đối với người có cơ thể hoàn toàn bình thường, không bị dị tật nhưng về mặt tâm lýthì tự cho bản thân thuộc giới tính khác và tìm cách thực hiện ý định chuyển giới bằng các phương pháp phẫu thuật và sinh hóa (tiêm hormone). Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng không cần phải lo nếu cho phép thì việc chuyển giới sẽ diễn ra ào ạt vì “không ai gác bỏ những điều bình thường để đi chuyển giới chỉ vì thích”.
Phát biểu tại hội nghị, bà Tiêu Thị Ái Nhi – ban điều hành Hội phụ huynh, người thân nhóm LGBT Bình Dương cho biết hiện những người nhóm này đang bị nhiều người xem là bệnh hoạn, là quái thú, bị bạo hành về thể chất và tâm lý. “Con tôi khai sinh là giới tính nữ, hiện tôi đang xem con tôi là con trai vì cháu thể hiện niềm mong mỏi như vậy . Cháu cũng có bạn gái và gia đình tôi hoàn toàn chấp nhận điều này. Con tôi hành xử như nam giới, mạnh mẽ, chính trực. Và thực tế cháu đang hạnh phúc, đang hăng say làm việc đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tôi coi bạn gái con tôi là con dâu tương lại và điều đó không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình tôi” - bà Ái Nhi nói. Từ đó bà Nhi đề nghị nhanh chóng ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, không phân biệt khuyết tật bẩm sinh hay khuyết tật tâm lý, để nhóm này được sống trong những ánh nhìn bình thường, điều này cũng là góp phần hướng đến một xã hội văn minh, hạnh phúc và chỉ còn yêu thương. Đồng thời cho phép chuyển giới và cho phép nuôi con nuôi đối với người chuyển đổi giới tính, đó là cách đối xử bình đẳng với người thuộc nhóm LGBT, bảo đảm họ được đầy đủ những quyền con người như quyền kết hôn, quyền nuôi con, quyền nhận con nuôi , đồng thời đề cao nguyên tắc quyền trẻ em.