Sửa BLDS: Chưa có quy định chế tài trong các giao dịch dân sự

LTS: Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) lần này hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi trong tất cả các tầng lớp nhân dân nhằm huy động trí tuệ của nhân dân, góp phần hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực dân sự. PLOxin giới thiệu ý kiến đóng góp của Luật sư Trịnh Thị Bích, người đã từng công tác trong lĩnh vực hộ tịch tại Sở Tư pháp TPHCM trong nhiều năm.
Qua thực tiễn hoạt động và nghiên cứu một số lĩnh vực chuyên sâu về công tác hộ tịch, tôi xin góp ý kiến hai vấn đề sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận quy định tại Điều 4 dự thảo: “cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện các quyền dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật và những hạn chế của việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật này. Mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được các cá nhân, pháp nhân khác tôn trọng”.

Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết hiện nay được các cơ quan nhà nước áp dụng dùng để thay thế một số thủ tục quy định mà người dân không thể có, ví dụ như: cam kết về tình trạng hôn nhân ở những nơi cư trú, đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn…, cam kết về những người đồng thừa kế trong khai nhận tài sản, cam kết nhân thân, về việc xây dựng, sử dụng nhà ở, đất ở.v.v…

Hiểu đúng vấn đề thì việc cam kết là hành vi đề cao trách nhiệm cá nhân công nhân trước pháp luật. Nhưng, cho đến nay, như một “thói quen”, công dân sẵn sàng cam kết theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước và người có yêu cầu. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm trước pháp luật thì người cam kết lại rất “xem thường” bởi lẽ các quy định chế tài chưa được quy định nghiêm minh, đặc biệt, chế tài việc vi phạm trong giao dịch dân sự và hình sự thì chưa có.

Do đó, để làm rõ trách nhiệm mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân trong xã hội công dân, đề cao trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tôi đề nghị tới đây cần bổ sung quy định chế tài về hành chính, dân sự và hình sự đối với những hành vi khai man, không thực hiện hoặc không tôn trọng việc tự do, tự nguyện cam kết. Vì thế, cần bổ sung thêm Điều 4 như sau: “… nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Thứ hai, về vấn đề giám hộ, việc áp dụng thi hành chế định giám hộ trong Bộ Luật dân sự hiện nay còn một số khó khăn: người mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS), người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Thực tế, còn có những người do thể chất hoặc tinh thần không có đủ khả năng nhận thức nhưng lại chưa phải là người mất NLHVDS khi họ cần người giám hộ để thực hiện các giao dịch, bảo vệ quyền lợi ích thì Bộ Luật dân sự không đề cập đến. Mặt khác, một số trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu có quyết định cử người giám hộ đương nhiên thì thủ tục này chưa được quy định.
Dự thảo Bộ Luật dân sự đã bổ sung tại Điều 59 về đối tượng được giám hộ lần này trong trường hợp người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi là phù hợp và đầy đủ, kể cả quy định khái niệm về đối tượng này (Điều 29 dự thảo).
Bên cạnh điểm mới nêu trên, dự thảo Bộ Luật dân sự bỏ phần quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên và người mất NLHVDS, mà thay vào đó là người giám hộ của những đối tượng được giám hộ là những người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận hoặc được cử ra trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc nếu đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ (Điều 63, 64 dự thảo).
Chúng ta đã biết, hiện nay người giám hộ tại Điều 61, 62 Bộ Luật dân sự hiện hành được xác định là người giám hộ đương nhiên, đặc biệt là có thứ tự ưu tiên trong những người thân thích. Ví dụ: người giám hộ đương nhiên của người chồng bị mất NLHVDS là vợ (hoặc ngược lại), cha mẹ đều mất NLHVDS hoặc 1 người mất NLHVDS còn người kia không đủ điều kiện thì người con cả làm người giám hộ, nếu con cả không đủ điều kiện thì người con tiếp theo…
Việc quy định người giám hộ đương nhiên theo thứ tự ưu tiên đã hạn chế rất lớn vấn đề tranh chấp làm giám hộ, đặc biệt trong trường hợp người được giám hộ có tài sản lớn. Do đó, trong thực tế cho đến nay tòa án thụ lý việc tranh chấp này rất ít. Đây là điểm tích cực và ưu việt của quy định người giám hộ đương nhiên.
Dự thảo Bộ Luật dân sự không quy định khái niệm về người thân thích bao gồm những ai và sự thỏa thuận để cử người giám hộ trong số những người thân thích dễ xảy ra tranh chấp làm giám hộ.
Một điểm khác cũng cần lưu ý là Điều 21 Luật hộ tịch vừa mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2016 quy định việc đăng ký giám hộ đương nhiên đã tháo gỡ khó khăn về yêu cầu văn bản quyết định cử người giám hộ. Như vậy, nếu dự thảo không quy định người giám hộ đương nhiên thì khái niệm “người giám hộ đương nhiên” trong Luật hộ tịch phải được sửa đổi, hủy bỏ vì dự thảo đã không quy định vấn đề này.
Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định về người giám hộ đương nhiên như Bộ Luật dân sự hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm