Sửa BLDS: Tòa không có quyền điều chỉnh hợp đồng?

Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo BLDS (sửa đổi) là bổ sung Điều 435 về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Cụ thể, dự thảo quy định hợp đồng có thể được sửa đổi hoặc chấm dứt khi hoàn cảnh mà các bên dựa vào đó để giao kết đã thay đổi cơ bản. Sự thay đổi của hoàn cảnh được coi là cơ bản khi hoàn cảnh thay đổi đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết với nội dung hoàn toàn khác. Điều 435 cũng quy định các điều kiện để tòa có thể ra quyết định sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.

Cho tòa điều chỉnh hợp đồng: Dễ tùy tiện?

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long, điều luật trên đưa ra nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng còn chung chung. Cần làm rõ thế nào là hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản, thế nào là áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép hay thế nào là phá vỡ tương quan lợi ích. Về cơ bản, việc ký kết hợp đồng hay bất kỳ một hành vi pháp lý nào cũng có rủi ro nhất định. Việc không lường trước được sự kiện này đem đến rủi ro cho một bên thì có thể coi là hợp lý để bên đó yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại hay không? Liệu sự không rõ ràng này có thể gây ra chuyện tùy tiện trong vận dụng pháp luật để giải quyết hay không?

Thêm nữa, việc cho phép tòa điều chỉnh hợp đồng, dù với điều kiện chặt chẽ thì cũng không phù hợp với bản chất của hợp đồng là tự do ý chí, tự do thỏa thuận, tự do định đoạt giữa các bên ký hợp đồng.

Từ đó ông Long cho rằng không nên quy định điều này trong dự thảo. Đồng tình, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cũng đề xuất không cho tòa điều chỉnh hợp đồng mà tòa chỉ giải quyết hậu quả sau khi hợp đồng bị đình chỉ, bị hủy trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, điều hành buổi báo cáo thẩm tra. Ảnh: D.HẰNG

Ngược lại, từ góc nhìn của cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vẫn cho rằng việc giao cho tòa quyền điều chỉnh hợp đồng là cần thiết. Nó bảo đảm sự ổn định của giao dịch dân sự, không phá vỡ hợp đồng, đề cao sự thiện chí của các bên trong giải quyết hậu quả phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bảo đảm sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong khi sự thay đổi của hoàn cảnh không phải do lỗi của một hoặc cả hai bên trong hợp đồng. Việc áp dụng điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi khá phổ biến trong án lệ hoặc trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Tụng thừa nhận dự thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để đảm bảo tính khả thi, công bằng và an toàn pháp lý khi đi vào cuộc sống.

Phải có thời hiệu khởi kiện?

Một vấn đề khác, Điều 152 dự thảo sửa đổi theo hướng bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, chỉ còn thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Ông Trần Đình Long nhận xét: “Cần phải cân nhắc cẩn trọng bởi bỏ thời hiệu khởi kiện đồng nghĩa với việc giao dịch dân sự có thể xảy ra tranh chấp trong bất cứ lúc nào. Như vậy liệu có bảo đảm ổn định trật tự xã hội hay không?”.

Ngoài ra, theo ông Long, dự thảo cũng cần phải cân nhắc, thận trọng hơn trong việc bổ sung nội dung bảo vệ người thứ ba ngay tình để tránh ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu. Hơn nữa, trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ thì việc căn cứ vào sự kiện quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

Ông Đinh Trung Tụng cũng cho hay sau khi lấy ý kiến của dân, nhiều ý kiến cho rằng quy định như dự thảo là không thể hiện được quan điểm về việc tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản. Theo ông Tụng, cần phải quy định cụ thể hơn về mối quan hệ giữa giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba ngay tình; quyền, lợi ích của chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác trong trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ.

Phân biệt rõ thế chấp với bảo lãnh

Một vấn đề khác, theo ông Trần Đình Long, việc dự thảo thay đổi khái niệm thế chấp từ quan hệ hai bên (giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp) trở thành quan hệ hai bên hoặc ba bên đã khiến cho biện pháp bảo đảm bằng thế chấp và bảo lãnh gần như giống nhau.

Bên cạnh đó, việc dự thảo ghi nhận nghĩa vụ bảo lãnh có thể được đảm bảo thực hiện bằng cầm cố và thế chấp lại càng làm cho các quan hệ bảo đảm này bị chồng lấn, không rõ ràng. Hai biện pháp bảo đảm bị xóa mờ ranh giới có thể làm cho các bên trong quan hệ thế chấp và bảo lãnh vận dụng những ưu thế của từng biện pháp để giành lấy lợi thế cho mình, làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, đồng thời không đảm bảo tính minh bạch của pháp luật. Từ đó ông Long đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phân biệt rõ hai biện pháp bảo đảm này.

Đồng tình, ông Tống Anh Hào cho rằng thế chấp và bảo lãnh là hai nghĩa vụ bảo đảm có ý nghĩa khác nhau nên phải có sự phân biệt rạch ròi để tránh chồng lấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm