Có ý kiến thống nhất với dự thảo nhưng cũng có ý kiến phản đối với luận điểm cơ bản là tòa không có thẩm quyền giải thích pháp luật, HĐXX chỉ tuân theo pháp luật, nếu đưa ra phán quyết cho trường hợp pháp luật chưa quy định là không phù hợp với Hiến pháp.
Theo tôi, BLDS hiện hành và dự thảo BLDS (sửa đổi) đều quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán và nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự.
Theo Điều 11 dự thảo, tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, lặp đi lặp lại một thời gian dài trong một lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc một lĩnh vực hoạt động cụ thể mà không được quy định trong pháp luật. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán…
Điều 12 dự thảo cũng quy định trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định trực tiếp và không có tập quán thì áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự (tương tự pháp luật) để giải quyết...
Hai nguyên tắc này là cơ sở pháp lý mạnh mẽ, thuyết phục để làm khuôn mẫu hành vi các giao dịch dân sự mà pháp luật chưa dự liệu đến, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp trong các trường hợp giao dịch dân sự mà pháp luật chưa quy định cụ thể.
Theo tôi, cần phải có cơ chế để đảm bảo các quyền dân sự trong các giao dịch dân sự không có trong khuôn mẫu (pháp luật chưa quy định) vì về nguyên tắc, những quyền ấy vẫn hợp pháp và phải được Nhà nước bảo vệ. Nếu tòa từ chối giải quyết thì có thể coi như đồng nghĩa với việc Nhà nước từ chối bảo vệ các quyền dân sự hợp pháp. Người dân tìm đến tòa nhờ giải quyết là tìm đến công lý, tìm đến lẽ công bằng, nếu tòa không giải quyết thì họ sẽ không biết tìm đến ai, họ sẽ mất định hướng trong xử sự.
Quyền dân sự cần được bảo vệ! Khi tòa tìm cách giải quyết khúc mắc, bảo vệ các quyền dân sự hợp pháp cho các chủ thể trong trường hợp áp dụng tập quán hoặc áp dụng pháp luật tương tự thì chính ngành tòa án sẽ có dữ liệu để tổng kết thực tiễn, tạo tiền đề cho công tác hoàn thiện pháp luật, làm cho pháp luật gắn với nhu cầu cuộc sống.
ThS LÊ THỊ KIM CHUNG, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa