Chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Ảnh: NHƯ NGỌC

Chợ Bến Thành: Miền ký ức đặc biệt của đô thị Sài Gòn – TP.HCM

(PLO)- Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP.HCM, lịch sử hình thành của nó gắn liền với thăng trầm của đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn.

Mỗi một đô thị dù lớn hay nhỏ đều mang trong mình lịch sử hình thành và phát triển đặc thù của nó, thường được cụ thể hóa thành một hay nhiều quần thể di tích có niên đại và thuộc tính gắn chặt với đô thị.

Các đô thị phát triển quay xung quanh các quần thể di tích ấy, coi chúng là trái tim, là linh hồn và là vật thể giao tiếp giữa con người đương đại với tổ tiên trong quá khứ. Chợ Bến Thành là một di tích như vậy.

Chợ Bến Thành gắn liền với quá trình phát triển thành phố

Lịch sử hình thành Chợ Bến Thành gắn liền với thăng trầm của đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, trải qua nhiều lần trùng tu, di dời mới có được diện mạo và vị thế hôm nay.

chợ bến thành-1
Chợ Bến Thành năm 1914. (Ảnh tư liệu)

Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là Chợ Bến Thành.

Sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Gia Định bị phá bỏ, Chợ Bến Thành cũng hoang vắng. Sau khi người Pháp tấn công Sài Gòn (tháng 2-1859), chợ bị thiêu rụi hoàn toàn.

Năm 1860, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành ở địa điểm cũ. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chợ dần khang trang hơn với hệ thống cột gạch, sườn sắt, mái ngói, v.v..

chợ bến thành-2

Chợ Bến Thành. Ảnh tư liệu

Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912-1914, cửa nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng. Phía trước cửa chính (cửa nam) là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang...

Đến năm 1952, khi tu sửa chợ người ta cho gắn 12 bức phù điêu của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa ở bốn cửa chợ. Từ đó đến nay hình ảnh Chợ Bến Thành trở nên quen thuộc, gần gũi, trở thành một miền ký ức văn hóa đô thị của thành phố.

Chợ Bến Thành, miền ký ức tập thể

Con người chúng ta sống không thể thiếu ký ức, thành phố cũng vậy!

Ký ức lịch sử - văn hóa là hệ thống hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng về một chuỗi các trải nghiệm hay hành vi diễn ra trong quá khứ, được cô đọng và tái hiện trong thế giới ý niệm của con người. Ký ức sẽ dễ dàng được con người tiếp cận dưới dạng được ký thác vào hệ thống các tạo tác vật thể gắn chặt với đời sống con người và được nhắc nhớ liên tục thông qua tương tác vật lý hay qua các hoạt động lễ hội, thăm viếng.

chợ bến thành-3
Chợ Bến Thành trước 1975, khi đó còn có cây cầu vượt. (Ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Maurice Halbwachs (1983) từng cho rằng ký ức lịch sử - văn hóa mang tính tập thể dù có thể do một hay một nhóm cá nhân sáng tạo nên. Một khi các trải nghiệm lịch sử - văn hóa được số đông tiếp nhận và lưu giữ trong tiềm thức thì các tạo tác hay các sáng tạo văn hóa ấy sẽ trở thành ký ức, tức được sở hữu toàn dân.

Chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP.HCM, Bến Nhà Rồng hay một lễ hội dân gian ở các đình, chùa, miếu, mạo, các tác phẩm văn học kinh điển như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga hay Đất rừng Phương Nam đều đã trở thành một phần của ký ức.

chợ bến thành-4
Cửa Bắc chợ Bến Thành. Ảnh: NHƯ NGỌC

Đã là ký ức lịch sử - văn hóa thì hình ảnh biểu trưng mang tính ký thác thường phải được gìn giữ nguyên bản, tránh những thay đổi hay tác động làm thay đổi cấu trúc, nội dung và hình ảnh biểu trưng của nó.

Trong trường hợp Chợ Bến Thành đó là cấu trúc tổng thể chợ, hình dáng tổng thể, kết cấu kiến trúc – mỹ thuật vốn có, khối cửa chính (cửa Nam) cùng chiếc đồng hồ và màu sắc đặc trưng của mặt ngoài khu chợ. Bất kỳ sự thay đổi nào trong số những thứ ấy chắc chắn sẽ tác động tới công chúng; vậy nên các công tác trùng tu, tôn tạo cần phải hết sức cẩn trọng, nhất là nên tham vấn chuyên gia và công chúng.

chợ bến thành-5

Cửa Tây chợ Bến Thành. Ảnh: NHƯ NGỌC

Bên cạnh đó, cộng đồng lưu giữ ký ức thông qua hệ thống vật thể tạo tác mang tính ký thác nhưng cách thức họ thuật lại câu chuyện lịch sử - văn hóa và hệ thống ý nghĩa – giá trị của nó lại theo quan điểm “hiện tại”, tức yếu tố “duy hiện tại” của ký ức. Con người đương đại tùy vào cảm quan cuộc sống hiện thời của mình mà quyết định cách họ nhìn về ký ức.

Chẳng hạn, Bưu điện TP.HCM lúc mới được xây dựng được phủ bề ngoài lớp màu vàng sậm tươi tắn, song theo thời gian màu sắc phai nhạt dần, cái đọng lại trong tâm thức cộng đồng là hình ảnh tòa bưu điện thành phố có màu vàng nhạt đặc trưng.

Khi chỉnh trang lại bưu điện, chúng ta buộc phải lựa chọn một trong hai loại màu sơn nói trên (màu vàng sậm tươi tắn thuở ban đầu hay màu vàng nhạt quen thuộc?). Thông thường, cộng đồng thiên về lựa chọn thứ hai, bởi đó mới chính là màu sắc đi vào ký ức của họ và rằng họ sẽ dựa vào ký ức ấy để đánh giá màu sơn mới.

chợ bến thành-6
Toàn cảnh Chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM (Ảnh chụp tháng 10-2023). Ảnh: NHƯ NGỌC

Vậy nên, đối với các công trình di sản/di tích kiến trúc – mỹ thuật mang đậm vai trò lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa thành phố như Chợ Bến Thành, mọi sự thay đổi về hình dáng, màu sắc và kết cấu biểu trưng nếu có cần phải được tham vấn nhà chuyên môn và ý kiến cộng đồng.

Chung nhất và quan trọng nhất vẫn là ý kiến cộng đồng, bởi họ từng ngày từng giờ sống và tương tác với với di sản của họ, họ có trách nhiệm nhìn giữ ký ức cho các thế hệ mai sau.

Đọc thêm