Để chợ Bến Thành là hình ảnh đẹp của TP.HCM

(PLO)- Các ý kiến cho rằng tình trạng nói thách ở chợ Bến Thành cần có biện pháp chế tài để mang lại hình ảnh đẹp của TP.HCM trong lòng du khách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chợ Bến Thành - một trong những ngôi chợ nổi tiếng của TP.HCM luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngay cả khách nội địa cũng rất e ngại mua sắm tại đây vì tình trạng nói thách với “giá trên trời”.

Video: Để chợ Bến Thành là hình ảnh đẹp của TP.HCM.

Mới đây, một hộ kinh doanh tại chợ Bến Thành đã bị ban quản lý (BQL) chợ đình chỉ buôn bán bảy ngày do có hành vi nói thách ba đôi tất với giá 700.000 đồng.

Chợ Bến Thành luôn thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm. Ảnh: T.UYÊN

Chợ Bến Thành luôn thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Ảnh: T.UYÊN

Muốn xử nghiêm nhưng vướng nội quy

Sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Chợ Bến Thành tạm đình chỉ kinh doanh sạp nói thách 700.000 đồng/ba đôi tất”, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến bức xúc.

Cụ thể, bạn đọc Hà Thanh cho rằng đình chỉ bán bảy ngày là quá nhẹ. “Tôi là người Việt chính gốc mà còn không dám hỏi mua bất cứ thứ gì ở chợ Bến Thành. Thiết nghĩ BQL chợ nên xây dựng lại mô hình kinh doanh cho khu chợ truyền thống này như một trung tâm thương mại văn minh, chuyên nghiệp. Bởi không có một loại văn hóa nào gọi là văn hóa nói thách trong mua bán cả” - bạn Thanh nói.

Tương tự, bạn đọc Yến Đặng cho biết: “Cần chế tài, xử phạt nghiêm khắc. Dì tôi dẫn theo mấy người bạn từ Mỹ về, ghé chợ Bến Thành mua đồ. Thấy người nước ngoài họ nói giá khá cao, khi dì tôi trả giá còn bị nói “người Việt Nam không giúp người Việt Nam”. Có lẽ họ nghĩ dì tôi chỉ đi phiên dịch. Tôi tự hỏi có phải vì tâm lý “người Việt Nam phải giúp người Việt Nam” nên tình trạng hét giá, “chặt chém” vẫn diễn ra bao lâu nay?”.

Ông Lê Minh Hiệp, Phó Trưởng BQL chợ Bến Thành, cho hay: Ngay sau khi xuất hiện clip đăng tải trên mạng xã hội về việc tiểu thương “chặt chém” 700.000 đồng/ba đôi tất, BQL chợ đã phối hợp với Công an quận 1 làm việc với những người liên quan. Sau đó, BQL ban hành quyết định xử lý vi phạm nội quy chợ là tạm đình chỉ hộ kinh doanh này bảy ngày (từ ngày 25 đến 31-8) do vi phạm niêm yết giá không đầy đủ, rõ ràng, thách giá, nài ép khách hàng.

“Sau vụ việc trên, chúng tôi phối hợp cùng Công an quận 1, Công an phường Bến Thành cho tất cả tiểu thương cam kết không vi phạm các nội dung trên trong quá trình kinh doanh” - ông Hiệp cho biết.

Theo ông Hiệp, nhiều ý kiến cho rằng BQL chợ đình chỉ sạp bán hàng trong vòng bảy ngày là quá nhẹ. Chợ muốn xử lý nghiêm ở mức cao hơn để răn đe, tuy nhiên phải tuân theo nội quy chợ được xây dựng dựa trên Quyết định 0772/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành nội quy chợ.

Cụ thể, theo Quyết định 0772, tiểu thương kinh doanh tại chợ sẽ bị hủy bỏ hợp đồng thuê, sử dụng điểm kinh doanh và thu hồi lại điểm kinh doanh nếu đã bị đình chỉ hoạt động kinh doanh từ bốn lần hay 20 ngày trở lên trong một năm. “Trường hợp trên vi phạm lần đầu và chúng tôi đã xử lý ở mức cao nhất là đình chỉ bảy ngày” - ông Hiệp nói.

Ngay cả khách nội địa cũng ngại mua sắm tại chợ Bến Thành vì tình trạng nói thách với “giá trên trời”.

Các hành vi vi phạm cần được ngăn chặn hiệu quả

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng: Việc BQL chợ Bến Thành vừa xử lý cho một sạp tạm dừng kinh doanh bảy ngày vì nói thách cũng là sự cảnh báo để các tiểu thương thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng nội quy của chợ. Việc kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đều căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật chứ không do đơn vị quản lý tự đề ra.

“Ở góc độ người tiêu dùng, chúng tôi mong muốn việc thực thi pháp luật được các cơ quan quản lý áp dụng một cách nghiêm túc. Các hành vi vi phạm cần được ngăn chặn hiệu quả, nhằm mang lại hình ảnh đẹp của TP.HCM trong lòng du khách” - bà Thu nói.

Theo bà Thu, các biện pháp chế tài nếu không đủ sức răn đe thì Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi, cập nhật để phù hợp với thực tế.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, chỉ rõ: Theo quy định của pháp luật về giá hiện nay thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa đều phải thực hiện việc công khai thông tin về giá hàng hóa mình kinh doanh.

Theo đó, nếu cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt là gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân. Ngoài ra, tùy hành vi vi phạm thực tế, các cá nhân kinh doanh còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý tăng giá hàng hóa bất hợp lý.

“Theo đó, mức phạt tiền cao nhất đến 60 triệu đồng kèm theo chủ thể vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết; hoặc buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi từ hành vi vi phạm” - luật sư Hậu phân tích.•

Ban quản lý chợ Bến Thành đã nhận được một số ý kiến phản ánh của du khách. Ảnh: T.UYÊN

Ban quản lý chợ Bến Thành đã nhận được một số ý kiến phản ánh
của du khách. Ảnh: T.UYÊN

Một loại dép, giá chênh gấp đôi

Theo đại diện BQL chợ Bến Thành, thời gian qua chợ đã bố trí bàn tiếp nhận phản ánh ý kiến của khách hàng về giá cả và thái độ phục vụ. Trong đó, BQL đã tiếp nhận nhiều phản ánh về tình trạng tiểu thương bán hàng “chặt chém”. Thường thì hai bên thỏa thuận, khách hàng sẽ nhận lại tiền chênh lệch.

“Đơn cử, vừa rồi có du khách đến mua đôi dép, một sạp niêm yết giá 70.000 đồng, trong khi khách đã mua ở sạp khác niêm yết giá 150.000 đồng. Ngay khi nhận phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu sạp đó chứng minh nguồn hàng, giá cả nhập… sau đó sạp này trả lại tiền chênh lệch cho khách” - vị này cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm