Chớ chủ quan với điểm sàn xét tuyển thấp

Chỉ còn bốn ngày nữa là kết thúc đợt 1 xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm 2016, thí sinh (TS) cần đưa ra quyết định cuối cùng trước khi Bộ GD&ĐT công bố dữ liệu tuyển sinh cả nước. 

Điểm chuẩn cao, thấp do thí sinh

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển các môn (chưa nhân hệ số) theo tổ hợp môn xét tuyển tối thiểu vào các ngành kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị, toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh (khối A00, A01, D01) là 15 điểm. Tất cả ngành, chuyên ngành còn lại là 18 điểm. ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đã nhận hơn 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 5.000. Trong đó số hồ sơ đăng ký trực tuyến hai ngày đầu tăng cao, sau đó giảm dần, còn hồ sơ TS nộp trực tiếp vẫn tiếp tục tăng. Riêng hồ sơ qua bưu điện chỉ có vài trăm.

Ông Đương cho rằng so với chỉ tiêu tuyển sinh vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, vẫn còn bốn ngày để TS tính toán chọn ngành/trường phù hợp với điểm đạt được nên chưa thể đánh giá hết số TS còn lại còn nhiều hay ít so với sự bội thu hồ sơ của năm trước.

Bộ GD&ĐT ngày 5-8 đã lưu ý các trường ĐH lớn nên cân nhắc nâng ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển để TS có điểm thấp không bị “mắc kẹt”. Ông Đương nhìn nhận: “Hiện vẫn chưa có sự phân tầng, phân hạng rõ ràng nên chưa thể đánh giá trường nào nằm tốp trên, tốp giữa và tốp dưới. Do vậy, chưa có quy chuẩn định lượng và định tính trường nào ở tốp để hạ hay nâng ngưỡng điểm nhận hồ sơ lên cao”.

Các trường nhận định những ngày tới hoạt động tuyển sinh sẽ sôi động hơn. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Đương dẫn chứng một số ngành (kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị, toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh) đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhu cầu xã hội cần nhưng TS chưa quan tâm nên vẫn duy trì ngưỡng điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn (15 điểm) để thu hút TS. Ngược lại, những ngành nhu cầu xã hội cao, TS quan tâm đương nhiên ngưỡng điểm nhận hồ sơ sẽ cao hơn.

Hồ sơ nộp hai lần sẽ bị loại

Đây là tình cảnh sau hai phần ba chặng đường các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển. Một số trường cho biết số hồ sơ qua bưu điện có tăng lên nhưng rất nhiều trường hợp trùng với hồ sơ đăng ký trực tuyến. ThS Nguyễn Văn Châu, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét số hồ sơ đăng ký vào trường hiện tại đang thưa dần so với những ngày đầu. Tính đến ngày 6-8, trường đã nhận được hơn 3.000 hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển sinh hơn 4.000. Đáng lưu ý, nhiều TS có điểm dưới điểm sàn vẫn đăng ký vào các trường khiến tỉ lệ ảo tăng lên nhưng chưa kiểm soát được, công tác sàng lọc hồ sơ thêm khó khăn.

Ông Châu cho rằng số TS còn lại đang thăm dò thêm thông tin từ các trường có gì biến động rồi mới chính thức nộp hồ sơ vào những ngày cuối. Ông Châu khuyến cáo những ngày tới những TS có định hướng vào Trường ĐH Sư phạm nên cân nhắc nộp hồ sơ sớm, thay vì đợi đến ngày cuối. Trong đó TS lưu ý ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của trường từ 16,5 đến 19 điểm tùy ngành, riêng ngành sư phạm là 29 điểm (nhân đôi hệ số). Ngưỡng điểm trường đưa ra khá sát với phổ điểm thi (16-20 điểm) và điểm chuẩn của trường năm trước. Vì vậy TS có điểm cao hơn ngưỡng điểm trên 1-3 điểm có thể mạnh dạn nộp vào trường.

Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông tin trường đã nhận khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ba nguồn TS đăng ký trực tuyến, trực tiếp và bưu điện. Tuy nhiên, trong đó có nhiều hồ sơ trùng lắp giữa đăng ký trực tuyến và qua đường bưu điện. Do vậy khi nhập liệu, nếu có sự trùng lắp thì những hồ sơ này sẽ bị loại ra.

So với chỉ tiêu hơn 6.500 lượng hồ sơ đăng ký vào trường khá dồi dào, tuy nhiên hiện chưa thể khẳng định số TS nói trên sẽ đặt hết hy vọng vào trường, vì còn lựa chọn ở nguyện vọng 2, 3.

“Dự kiến trong tuần này, hoạt động tuyển sinh sẽ sôi động hơn những ngày vừa rồi, vì số TS chưa nộp hồ sơ vẫn còn nhiều” - đại diện trường này nhận định.

Tham khảo kỹ điểm chuẩn vào các ngành, trường

Bộ GD&ĐT vừa rà soát, thấy không ít trường ĐH lớn, cạnh tranh cao nhận đăng ký xét tuyển với TS chỉ đạt điểm sàn (15 điểm). Tuy nhiên, TS cần tỉnh táo vì đó chỉ là ngưỡng tối thiểu chứ không phải điểm chuẩn vào trường. Rút kinh nghiệm đợt 1, trong các đợt xét tuyển bổ sung các trường nên quy định ngưỡng nhận đăng ký xét tuyển gần với điểm chuẩn dự kiến hơn để tránh gây hiểu nhầm đối với TS và tránh gây khó khăn cho các trường tốp dưới. Với TS, cần tham khảo kỹ lưỡng điểm chuẩn vào các ngành, trường yêu thích để quyết định nộp đăng ký xét tuyển phù hợp với kết quả thi mình đạt được.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA

Theo ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có nhiều điều đáng tiếc xảy ra trong kỳ tuyển sinh năm nay. Cụ thể, TS đã đăng ký vào hai trường không có định hướng với lý do đăng ký thử nhưng phần mềm xét tuyển đã chấp nhận nên khi đăng ký thật vào trường thứ ba (có định hướng) thì bị từ chối. Đây là điều rất đáng tiếc với TS, dù trước đó các trường THPT đã dặn dò rất kỹ điều này. Một số trường đã thăm dò ký kiến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) để tạo điều kiện cho TS, tuy nhiên nơi này xác nhận sẽ không có sự thay đổi nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm