“Chú chó giống French bulldog do gia đình tôi nuôi từ nhỏ, có đăng ký theo quy định trong thời gian sinh sống ở Cộng hòa Czech. Do là vật cưng rất thân thiết nên khi về Việt Nam, tôi đã mang theo nó về nuôi trong nhà mình tại TP.HCM. Dịp trước tết rồi, tôi về Bắc bằng ô tô của gia đình, có mang chó về theo nhưng lượt vào thì cả gia đình lại đi máy bay nên tôi nhờ dịch vụ vận chuyển qua đường hàng không, không ngờ khi tới nhận tại kho quốc nội của hãng hàng không Vietnam Airlines thì nó đã chết” - anh Phạm Minh Hải than thở.
Chó French bulldog của anh Hải lúc còn sống và thùng nhốt chó bị dán kín lỗ thông hơi bằng băng keo tại kho quốc nội của Vietnam Airlines. Ảnh: CT
Vì sao chó chết?
Anh Hải kể khi gia đình chuẩn bị quay vào TP.HCM, qua tham khảo thông tin trên mạng, anh biết Vietnam Airlines chỉ từ chối vận chuyển dòng Bulldog dưới sáu tháng tuổi, trong khi chó của anh đã ba tuổi. Chưa kể, chó của anh là giống chó thuần chủng, đã được đăng ký có hộ chiếu và được gắn chip trên người. Qua người quen giới thiệu, anh biết ông S. là người chuyên nhận hàng, anh đã nhờ ông S. tìm công ty vận chuyển chó cưng của mình vào TP.HCM bằng máy bay.
Sau đó, ông S. đã liên hệ với Công ty M. (có trụ sở ở Hà Nội) rồi báo lại là sẽ sắp xếp cho chú chó đi cùng chuyến bay với gia đình anh Hải vào chiều 24-2. Theo ông S., phía Công ty M. yêu cầu anh Hải phải trả phí vận chuyển là 2 triệu đồng, phía công ty sẽ lo mọi thủ tục bao gồm cả phí đóng gói, kiểm dịch để vận chuyển vào TP.HCM. Do chủ quan nên giữa anh Hải và Công ty M. không có hợp đồng vận chuyển, mọi giao dịch thỏa thuận chỉ thông qua ông S. Anh Hải cũng không biết cụ thể địa chỉ Công ty M. ở đâu mà chỉ có số điện thoại do ông S. cung cấp.
Chiều cùng ngày, khi xuống máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, anh Hải đã vào kho quốc nội của Vietnam Airlines nhận chó thì phát hiện chó cưng đã chết. Ngay lúc đó, anh đã yêu cầu nhân viên kho hàng của Vietnam Airlines lập biên bản sự việc, yêu cầu được kiểm tra chip để xác định thông số đã đăng ký của con chó và phải khám nghiệm để xác định nguyên nhân chết. Tuy nhiên, đại diện Vietnam Airlines cho biết không thể đáp ứng yêu cầu trên mà chỉ chụp ảnh lại và lập biên bản xác nhận việc là “một con chó cảnh chết không rõ nguyên nhân”. Biên bản cũng mô tả thùng nhốt chó bị dán kín lỗ thông hơi bằng băng keo và nhãn dán.
Theo anh Hải, quan sát bên ngoài cho thấy chiếc thùng nhốt chó bị dán kín, không biết do phía Công ty M. yêu cầu hay nhân viên hàng không tự làm. giống chó Bulldog rất nhạy cảm với nhiệt độ thay đổi nên khi bên vận chuyển dán kín như vậy, có thể chó đã bị ngạt hơi chết.
anh Hải đã báo cho ông S. biết để liên hệ với Công ty M. yêu cầu giải thích về việc tại sao lại dán kín thùng nhốt chó. Ông S. thông báo lại phía Công ty M. giải thích do con chó của anh thuộc loại bị cấm vận chuyển nên dán kín như vậy để bên hàng không không phát hiện.
Chỉ bồi thường vài trăm ngàn?
Anh Hải bức xúc: “Tôi không thể chấp nhận lời giải thích của Công ty M. vì trước đó công ty đã chấp nhận yêu cầu của tôi rồi, nếu không làm được thì ngay từ đầu họ phải từ chối để tôi tìm nơi khác chứ”. Trong khi mọi giấy tờ vận chuyển chó đều hợp pháp chứng tỏ lỗi khiến chó chết là do việc đóng gói của phía Công ty M. không đúng cách. Cụ thể, hồ sơ thể hiện chó của anh được Trạm thú y Sóc Sơn (nơi sân bay Nội Bài đóng) cấp giấy đăng ký kiểm định động vật ngày 23-2. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thùng nhốt chó của anh được cấp phiếu xuất kho với danh mục tên hàng là: Chó cảnh. Chứng tỏ lý do Công ty M. đưa ra để giải thích cho việc tự ý dán băng keo kín thùng nhốt chó là không hợp lý và không đúng.
Về trách nhiệm của các bên, anh Hải cho biết khi lập biên bản, đại diện hãng hàng không nói sẽ liên hệ với Công ty M. rồi gọi điện thoại lại cho anh để trao đổi nhưng từ chiều 24-2 đến nay, không nơi nào gọi điện thoại thông báo kết quả xử lý như thế nào. Hiện anh Hải đã gửi đơn khiếu nại đến hai nơi này.
Ngày 25-2, anh Hải đã gọi điện thoại yêu cầu Công ty M. bồi thường tiền bằng giá trị thực tế của con chó tại thị trường Việt Nam hiện nay là khoảng 3.500 USD đến 4.000 USD. Công ty M. từ chối và nói chỉ bồi thường theo quy định về hàng hóa thất lạc của hãng hàng không (khoảng hơn 20.000 đồng/kg) nhân với khối lượng thực tế của con chó (khoảng 14 kg). Sau khi hai bên không thống nhất được, anh Hải cũng không thể liên lạc với Công ty M. do họ không nghe máy nữa.
Ngày 27-2, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, anh Hải cho biết hiện nay ông S. lẫn Công ty M. đều không nghe máy. Nếu tiếp tục không gặp và không thương lượng được thì anh sẽ khởi kiện Công ty M. để đòi bồi thường.
Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với ông S. và được ông này cho số điện thoại của người có trách nhiệm trong Công ty M. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi thì được trả lời là… nhầm máy.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
Công ty phải bồi thường Thứ nhất, theo diễn biến vụ việc như báo nêu thì Công ty M. có chức năng vận chuyển hàng hóa. Thứ hai, chó được cấp giấy kiểm dịch trước khi lên máy bay và phiếu xuất kho của hãng hàng không khi xuống máy bay, chứng tỏ chú chó này được phép vận chuyển bằng đường hàng không, không thuộc loại hàng cấm. Thứ ba, dù hai bên không có hợp đồng nhưng phía Công ty M. thừa nhận với ông Hải là có vận chuyển và có lý giải nguyên nhân sự cố, chứng tỏ hai bên đã thừa nhận cùng nhau xác lập một giao dịch dân sự. Theo quy định của BLDS, khi bên vận chuyển đã chấp nhận yêu cầu và nhận thù lao thì phải làm đúng cam kết, mọi tổn thất về tài sản thì phải bồi thường. Họ chỉ được loại trừ trách nhiệm khi chứng minh được mình hoàn toàn không có lỗi và trong trường hợp bất khả kháng. Theo diễn biến thì anh Hải không tham gia và không có ý kiến gì về khâu đóng gói trước khi vận chuyển chó mà đó là việc của người trung gian và Công ty M. Trong khi tiêu chuẩn đóng gói của hãng hàng không đều phải tuân thủ nên nếu chú chó bị chết ngạt thì lỗi là của Công ty M. vì đã cố tình giấu giếm hoặc không có ý kiến khi thấy hàng bị đóng sai. Do vậy trường hợp này tôi cho rằng Công ty M. có lỗi và phải bồi thường, còn bồi thường cụ thể như thế nào sẽ do tòa quyết định trên cơ sở yêu cầu của anh Hải. TS LÊ MINH HÙNG, khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM |