Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bali (Indonesia). Ngày 18-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) xác nhận cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị, theo kênh Channel News Asia.
Đây sẽ là hội nghị đa phương lớn đầu tiên mà hai nhà lãnh đạo này sẽ đích thân tham dự kể từ sau đại dịch. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên ông Putin rời nước Nga kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ông Tập có lịch sang thăm Kazakhstan ngày 14-10 tới.
Trong khi đó hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden khả năng sẽ tham dự hội nghị.
(Từ trái qua): Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khả năng sẽ cùng dự hội nghị G20 ở Bali (Indonesia) tháng 11 tới. Ảnh: DETROIT NEWS |
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, theo cựu nhà ngoại giao James Carouso - thành viên cấp cao và là Chủ tịch Ban Cố vấn Úc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), với sự tham gia lãnh đạo các cường quốc thì khả năng sự kiện năm nay sẽ có điều chỉnh về nội dung thảo luận. Khả năng cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng ở Đài Loan sẽ là những nội dung được thảo luận tại hội nghị.
Luận điểm của ông Putin mang tới G20 sẽ là gì?
Nga được dự báo sẽ gặp nhiều chỉ trích từ các nhà lãnh đạo G20 liên quan cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Tổng thống Putin vẫn sẽ coi đây là cơ hội.
Đầu tiên, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Putin có thể chứng minh (một lần nữa) với người dân Nga rằng ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, không sợ hãi khi đương đầu kẻ thù của quốc gia và sẽ không lùi bước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà lãnh đạo G20 tham dự hội nghị thượng đỉnh,
Hồi tháng 7 Tổng thống Jokowi đã tới Nga động viên ông Putin tham dự hội nghị G20, tới Ukraine mời Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tham dự với tư cách khách mời đồng thời thuyết phục ông không vận động tẩy chay nếu ông Putin dự sự kiện.
Tại kỳ hội nghị tới, nếu ông Putin gặp ông Zelensky - người mà Moscow đã từ chối liên hệ trong nhiều tháng qua - thì đây có thể được coi là một nỗ lực để đạt được hòa bình. Rất có thể ông Putin sẽ kết hợp cuộc gặp này với việc tăng dòng khí đốt sang châu Âu, vốn đang giảm mạnh. Đây có thể là cơ hội để gây chia rẽ giữa các bên ủng hộ phương Tây ở Ukraine.
Ông Putin cũng có thể đưa ra một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều nhà phân tích tin rằng Nga sẽ tăng cường động binh trong thời gian tới đây để kiểm soát khu vực Donbass ở miền đông Ukraine, cũng như tại sao Ukraine dường như sẵn sàng thử chiếm lại Kherson ở miền nam nước này.
Ông Tập sẽ gặp ông Biden?
Căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có thể sẽ sử dụng hội nghị G20 lần này để nhắc các nước về vai trò của mình là đối tác thương mại chính của nhiều quốc gia và rủi ro kinh tế mà họ phải đối mặt nếu chống lại TQ.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky (phải) và người đồng cấp Indonesia - ông Joko Widodo trong cuộc họp báo tại Kiev (Ukraine) hồi tháng 7. Ảnh: AFP |
Ông Tập khả năng sẽ sử dụng kỳ hội nghị ở Bali để tái khẳng định nguyên tắc “Một TQ” và phản ứng quyết liệt đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi đầu tháng 8. Khả năng ông Tập cũng sẽ nhấn mạnh lại rằng mô hình kinh tế TQ đã được chứng minh là thành công và nước này là nguồn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng chính của nhiều quốc gia.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden có gặp nhau tại Bali hay không. Vài tuần trước sự kiện ở Bali, TQ sẽ tiến hành đại hội Đảng, mà ông Tập được tin là sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ ba; trong khi Mỹ tiến hành bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Hai nhà lãnh đạo sẽ đến Bali với một tâm thế mới và thế giới chờ đợi họ thể hiện điều đó như thế nào.
Ông Tập có thể sẽ đáp trả các quan điểm về Đài Loan, Biển Đông và thuế quan thương mại, và cho thấy ông sẽ không lùi bước trước ông Biden. Về phần mình, ông Biden có thể giảm thuế quan (nhằm giảm lạm phát của Mỹ) để đổi lấy tuyên bố của ông Tập rằng Bắc Kinh tìm kiếm sự thống nhất hòa bình với Đài Loan (giảm các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo này), và tham gia trở lại các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu với Mỹ.
Tất nhiên tất cả sự kiện trên đều mang tính dự đoán khi hai tháng nữa mới đến Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali. Tổng thống Jokowi rất mong tổ chức được cuộc gặp giữa ông Putin với ông Zelensky hoặc giữa ông Tập với ông Biden, như một dấu hiệu cho thấy hội nghị thượng đỉnh thành công.
Các cuộc gặp này cũng sẽ cho thấy tầm quan trọng của Indonesia với tư cách là một bên trung gian tiềm năng. Với dân số và nền kinh tế lớn và đang phát triển, một nguồn khoáng sản quan trọng và vị trí địa chiến lược quan trọng, Indonesia được cho là quốc gia không liên kết quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.
Do xích mích và mất lòng tin giữa các đồng minh của Mỹ với Nga và TQ đang ở mức cao nhất mọi thời đại, những nỗ lực để hình thành các thỏa thuận trước cuộc gặp thực tế sẽ gần như không thể. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Bali và cách các nhà lãnh đạo điều hướng sự căng thẳng của vẻ ngoài cứng rắn, nhưng đang tìm kiếm hòa bình.