Thấy gì khi bóc tách vũ khí hiện đại của Nga thu được ở Ukraine?

(PLO)- Vũ khí Nga hiện đại nhưng dùng nhiều thiết bị công nghệ cũ của phương Tây và phương Tây có thể tận dụng điểm này để làm suy yếu sức mạnh quân sự Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi quân Nga dùng các vũ khí chính xác bắn vào các mục tiêu Ukraine, các sĩ quan an ninh Ukraine và các nhà phân tích đã thu thập các bộ phận của những tên lửa này để mong tìm ra bí mật công nghệ của Nga, theo tờ The New York Times.

Nhóm nghiên cứu độc lập Conflict Armament Research có trụ sở tại Anh chuyên xác định và theo dõi vũ khí, đạn dược trên thế giới đã kiểm tra 7 mẫu vũ khí của Nga vào tháng 7 theo lời mời của chính phủ Ukraine.

Trong vũ khí hiện đại Nga có công nghệ

Báo cáo ra ngày 3-9 của nhóm này cho biết theo các nhà phân tích, các loại vũ khí thu được của Nga thuộc hàng xịn trong kho vũ khí nước này nhưng chúng lại chứa những phần tử công nghệ không mấy hiện đại, bao gồm một hệ thống định vị vệ tinh cơ bản nhưng rất độc đáo trong các loại bom, đạn thu được của Nga.

Chuyên gia Damien Spleeters của nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi thấy rằng Nga sử dụng các thành phần điện tử giống nhau trên nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa hành trình và trực thăng tấn công loại mới nhất. Vũ khí dẫn đường của Nga có nhiều công nghệ và linh kiện không phải do Nga sản xuất. Hầu hết chip máy tính mà chúng tôi ghi nhận (trong các vũ khí thu được của Nga) đều do các nước phương Tây sản xuất sau năm 2014”.

Các loại bảng mạch được tìm thấy trong thiết bị định vị vệ tinh trong một số tên lửa của Nga. Ảnh: CONFLICT ARMAMENT RESEARCH
Các loại bảng mạch được tìm thấy trong thiết bị định vị vệ tinh trong một số tên lửa của Nga. Ảnh: CONFLICT ARMAMENT RESEARCH

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các phần cứng bên trong của 3 loại tên lửa hành trình Nga, bao gồm tên lửa uy lực nhất Kh-101 và tên lửa dẫn đường mới nhất Tornado-S. Tất cả tên lửa đều có các linh kiện điện tử giống hệt nhau được đánh dấu SN-99 mà sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, nhóm nghiên cứu cho biết đây là thiết bị thu nhận định vị vệ tinh quan trọng đối với hoạt động của tên lửa.

Sau khi xem các bức ảnh về thiết bị điện tử quân sự của Nga do các nhà nghiên cứu chụp, ông Arsenio Menendez - nhà thầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng là người có sở thích làm nhái các bộ phận vũ khí, nói rằng các công nghệ trong vũ khí Nga như thời cuối những năm 1990 hoặc là giữa thập kỷ đầu tiên tính từ năm 2000.

Theo ông Menendez, về cơ bản, nó giống như một bảng điều khiển của bộ trò chơi điện tử Xbox 360 và có vẻ đơn giản để bất kỳ ai muốn tách nó ra và làm nhái lại.

Cách phương Tây có thể đối phó Nga

Nhóm nghiên cứu nhận thấy sự phụ thuộc lớn của Nga vào một số chất bán dẫn từ các nhà sản xuất phương Tây, không chỉ trong vũ khí mà còn trong máy bay không người lái (UAV) giám sát, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện tử trên trực thăng và hàng quân sự khác. Nếu "nắm thóp" được những hạn chế này thì sẽ làm giảm khả năng quân sự của Nga.

Nhà nghiên cứu Spleeters băn khoăn là làm thế nào Nga có được những bộ phận này dù Nga đã bị trừng phạt từ năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Ông Spleeters chất vấn nhà sản xuất chất bán dẫn của phương Tây là làm thế nào mà hàng hóa của họ lại có mặt trong vũ khí Nga, do thông qua các giao dịch hợp pháp hay có bên thứ ba mua giúp Nga để tránh trừng phạt phương Tây.

Hệ thống tên lửa phóng loạt Tornado-S của Nga có các linh kiện phương Tây giống như nhiều loại tên lửa Nga khác. Ảnh: DEFENSE WORLD

Hệ thống tên lửa phóng loạt Tornado-S của Nga có các linh kiện phương Tây giống như nhiều loại tên lửa Nga khác. Ảnh: DEFENSE WORLD

Ông Spleeters nói rằng việc Nga sử dụng các thành phần tương tự trong các loại vũ khí khác nhau cho thấy Nga đang bế tắc trong chuỗi cung ứng và việc nguồn cung thiết bị SN-99 hạn chế sẽ làm chậm khả năng của Moscow trong việc bổ sung kho vũ khí dẫn đường đang cạn dần.

Ông Spleeters cho rằng xu hướng của Nga là sử dụng thiết bị công nghệ của các nhà sản xuất quen thuộc. Ông nói “Nhìn vào các chip máy tính ở các vị trí giống nhau trên nhiều bảng mạch, chúng do cùng một nhà sản xuất tạo ra. Bạn có thể thấy ngày sản xuất khác nhau nhưng luôn là cùng một nhà sản xuất”.

Ông nói: “Nếu bạn muốn kiểm soát hiệu quả và đảm bảo rằng người Nga không thể động vào những thiết bị công nghệ đó, bạn phải biết người Nga cần gì và đã sử dụng những gì. Sau đó, điều quan trọng là phải biết làm thế nào mà Nga có được chúng và sử dụng hàng của hãng nào?

Vấn đề bảo mật: Nga thờ ơ, Mỹ siết chặt

Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt giữa khâu bảo mật vũ khí hàng đầu của Nga và vũ khí mà lực lượng Ukraine được Mỹ viện trợ. Nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên khi Nga thờ ơ về việc Nga có rất nhiều vũ khí hiện đại rất dễ làm nhái khi rơi vào tay đối phương.

Trong khi Nga có vẻ lơ là việc bảo mật thì Bộ Quốc phòng Mỹ có các tiêu chuẩn bảo mật mà các nhà thầu quân sự phải tuân theo để khi vũ khí rơi vào tay đối phương thì khó sao chép lại.

Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) M142. Ảnh: US ARMY
Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) M142. Ảnh: US ARMY

Lầu Năm Góc dùng thuật ngữ "thông tin chương trình quan trọng", theo đó đưa ra các chỉ thị yêu cầu sử dụng công nghệ chống làm giả nhằm bảo mật các dòng mã máy tính và bảo mật các hướng dẫn cho vũ khí biết cách tìm mục tiêu.

Ông Menendez giải thích rằng điều này có nghĩa là có thể thiết kế một mạng lưới bao quanh con chip máy tính và nếu phát hiện chip bị thăm dò thì sẽ xóa nội dung trong chip ngay lập tức. Theo ông Menendez, các biện pháp bảo vệ như vậy đã được sử dụng trong lĩnh vực thương mại như máy đọc thẻ tín dụng để giảm trộm cắp và gian lận.

Ông nói rằng hệ thống định vị của Nga giống với kiến ​​trúc mã nguồn mở của máy thu GPS, không chịu các hạn chế của liên bang liên quan đến việc bán và xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng.

Thậm chí ông còn cho rằng: “Một nhóm sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện của trường đại học có thể xây dựng hệ thống này”.

Theo ông Menendez, việc Nga sử dụng các bộ phận hỗn tạp để chế tạo vũ khí dẫn đường cũng có thể giúp giải thích tại sao tên lửa hành trình của Nga đôi khi không chính xác lắm.

Những sai sót do các thiết bị định vị GPS không tiêu chuẩn gây ra trong quá trình xử lý tín hiệu vệ tinh cuối cùng có thể khiến tên lửa hành trình trượt xa mục tiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm