Chiều 5-7, trong phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 5, HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này, đặc biệt là nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát thức ăn đường phố…
Lo ngại về thức ăn đường phố
Báo cáo với HĐND TP khóa IX, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết trong hai năm 2015-2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của ba cấp TP, quận/huyện, phường/xã đã thanh tra, kiểm tra 98.235 cơ sở thực phẩm, phát hiện vi phạm 14.906 cơ sở, xử phạt 11.051 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến hơn 56 tỉ đồng. Đồng thời tịch thu, tiêu hủy trên 556 tấn hàng hóa thực phẩm không đảm bảo ATTP. Kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan đến ATTP như phẩm màu công nghiệp Rodamine B trong thực phẩm; măng, dưa chua, gà có chất vàng ô…
Nhiều đại biểu ý kiến về vấn đề VSATTP trước khi HĐND TP thông qua nghị quyết. Ảnh: HTD
Về cơ sở thức ăn đường phố, TP hiện có 19.056 cơ sở kinh doanh với 20.850 người tham gia phục vụ kinh doanh. Đã xác nhận kiến thức ATTP cho 23.197 người; khám sức khỏe cho 17.816 người; thanh tra, kiểm tra 30.070 cơ sở, phát hiện vi phạm 14.557 cơ sở…
Tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ lo lắng về việc kiểm soát thức ăn đường phố và cửa hàng ăn uống. Ông Nhựt nhấn mạnh: “Thấy kết quả thanh tra, kiểm tra trên 30.000 cơ sở thì phát hiện hơn 14.500 cơ sở kinh doanh không đảm bảo VSATTP, khiến chúng tôi rất lo. Nghĩa là 100 cơ sở thức ăn thì có gần 50 cơ sở không đảm bảo VSATTP”.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Quang Thắng cũng cho rằng thức ăn đường phố có tình trạng bẩn khá nguy hiểm nên phải ưu tiên đối tượng này. Ông đề nghị phải đồng bộ hóa 15 phòng thí nghiệm để kiểm định cho dễ dàng, kiểm định chi tiết từ nguyên liệu, quá trình sản xuất chế biến, lưu thông phân phối.
ĐB Nguyễn Mạnh Trí băn khoăn khi khâu nào trong công tác đảm bảo ATTP cũng không khiến dân yên tâm 100%. “Chúng ta làm sao để đại biểu HĐND có thể trao đổi với cử tri là TP đã kiểm soát được bao nhiêu tỉ lệ thực phẩm bẩn trong số tổng thực phẩm mà người dân đang sử dụng hằng ngày để họ yên tâm phần nào” - ĐB nói.
Công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng được nhiều ĐB quan tâm. “Trong bức tranh ATTP hiện nay, người dân khó có thể làm người tiêu dùng thông minh. Bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt thịt heo, trứng gà, rau... ở chợ, trong cửa hàng là thực phẩm đạt hay không đạt chuẩn. Như vậy TP.HCM cần có giải pháp căn cơ từ đầu nguồn, tức là làm sao để nhà sản xuất thực hiện tốt công tác đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm” - ĐB Đặng Thị Phương Linh nêu ý kiến.
Còn ĐB Nguyễn Thị Nga nhận định những tồn tại, hạn chế trong quản lý ATTP vẫn tập trung từ khâu sản xuất, vận chuyển lưu thông, chế biến, trong khâu sản xuất còn dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật. “Ngay khi đã truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng chỉ dừng lại ở khâu giết mổ đến khâu tiêu dùng. Còn khâu chăn nuôi chưa truy xuất được nguồn gốc, con heo được nuôi dưỡng như thế nào, ăn gì, chích thuốc ra sao…”.
Từ đó, bà đề nghị cần có quy định về đóng gói bao bì, nhãn mác cụ thể, quy trách nhiệm cho các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường; tăng cường kiểm tra công tác chế biến sản phẩm ở chợ đầu mối, tăng cường việc lấy lưu mẫu để kiểm soát ngộ độc.
Chờ kiểm định, thực phẩm bẩn đã vào tay
Trước ý kiến các ĐB, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến: “Mình nói thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống chưa đăng ký kinh doanh còn nhiều, thiếu quy hoạch gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, chưa kiểm soát tốt nguyên liệu chế biến, điều kiện chế biến, phụ gia sử dụng, chất bảo quản. Rõ ràng chúng ta thấy rằng khả năng an toàn về thực phẩm là rất yếu, như đồng chí giám đốc Sở Y tế nói là 50%. Vậy giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?”.
Bà Tâm lo ngại ở các bếp ăn công nghiệp cung cấp suất ăn cho công nhân, học sinh sử dụng phụ gia như thế nào, chế biến ra sao, nguồn gốc thực phẩm lấy ở đâu. “Đây là vấn đề khó, nhưng khó mà mình khép lại đó thì cũng không giải quyết được vấn đề gì” - bà nói.
Chủ tịch HĐND TP cũng bày tỏ mối lo về tình trạng ở chợ đầu mối, những hộ kinh doanh tự kê khai nguồn hàng vào sổ ban quản lý chợ đầu mối, các lô hàng trong khi chờ xét nghiệm, kiểm định thì đã đưa đi tiêu thụ ở các chợ lẻ. “Nghĩa là trong lúc chờ kiểm định là hàng đó đã được tiêu thụ. Nên nếu kiểm định có kết quả hàng đó không đảm bảo về ATTP thì người tiêu dùng cũng đã sử dụng rồi” - bà Tâm đặt vấn đề.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý VSATTP TP, thông tin hiện nay TP đã thành lập các đội quản lý ATTP, có phân về ba chợ đầu mối với số lượng lớn. Đội ngũ thanh tra sẽ phối hợp với quận/huyện kiểm tra, giám sát bất kỳ lúc nào.