Chớ làm ngơ khi bị chóng mặt thường xuyên, nôn ói, nói khó

Ngày 10-3, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, cho biết nơi đây cứu sống nhiều trường hợp bị tắc động mạch thân nền.

Trước đó, BV nói trên tiếp nhận ông TVM (65 tuổi, ở TP Cần Thơ) trong tình trạng lơ mơ, yếu liệt tay chân, liệt nửa người trái, yếu nửa người phải, liệt dây thần kinh số 7.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ (BS) chẩn đoán ông M. bị tắc động mạch thân nền.

Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Ảnh: BVCC

Các BS nhanh chóng nong bóng đặt stent giúp tái thông đoạn mạch máu bị tắc. Một ngày sau, ông M. gọi biết nghe, mở mắt, thực hiện y lệnh chậm. Qua ngày thứ 2, ông M. tỉnh, thực hiện được y lệnh, nửa người phải đã phục hồi, còn liệt nửa người trái. Ông M. tiếp tục được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Tương tự, ông NVX (47 tuổi, ở Hậu Giang) cũng được đưa vào BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, vả mồ hôi, khó nói, nửa thân người dưới tê cứng.

Sau khi có kết quả chụp MRI, các BS khẳng định ông X. bị tắc động mạch thân nền. Các BS nhanh chóng chụp và nong hẹp động mạch. Hiện ông X. có khả năng vận động phục hồi hoàn toàn, không yếu liệt tứ chi, nói tốt.

Theo TS-BS Cường, đột quỵ do tắc động mạch thân nền là thể đột quỵ nặng nhất với nguy cơ tử vong và tàn phế rất cao. Tắc động mạch cảnh trong nguy cơ tử vong 50%, tắc động mạch não giữa nguy cơ tử vong 30% thì tắc động mạch thân nền nguy cơ tử vong trên 90%. May mắn qua khỏi, bệnh nhân có nguy cơ tàn phế và đời sống thực vật kéo dài.

“Trường hợp bị đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch thân nền một cách đột ngột cấp tính, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đột ngột té ngã, yếu liệt tứ chi, hôn mê, ngưng tim ngưng thở. Bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được cấp cứu ngưng tim ngưng thở kịp thời” – TS-BS Cường cho biết thêm.

TS-BS Cường còn cho biết thời gian là vấn đề cực kỳ quan trọng trong điều trị tắc động mạch thân nền. Đó là khoảng thời gian trước 4 tiếng rưỡi từ khi vừa bị đột quỵ với chỉ định thuốc tan máu đông rTPA và trước 6 tiếng với chỉ định lấy cục máu đông thông lại mạch máu. “Càng xa thời gian này, cơ hội sống và phục hồi của bệnh nhân càng khó. Cho dù bệnh nhân được tái thông thành công lại mạch máu” – TS-BS Cường nói.

TS-BS Cường khuyến cáo không được chủ quan với các triệu chứng chóng mặt thường xuyên, nôn ói, nói khó nuốt khó, mất ý thức thoáng qua, tê yếu tứ chi thoáng qua, nhất là với người lớn tuổi. Khi rơi vào các biểu hiện nói trên, nhanh chóng tới BV để được khám và điều trị kịp thời.

 Động mạch thân nền là nguồn nuôi quan trọng nhất của não bộ con người, cung cấp máu cho các trung tâm kiểm soát tim mạch, hô hấp và các dây thần kinh sọ quan trọng để điều khiển chức năng nói, nuốt, thăng bằng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm