Chợ online chơi lớn: Mời ca sĩ nổi tiếng, tung 'mưa' giảm giá

Số liệu thống kê từ nền tảng tiếp thị trực tuyến Criteo và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy quý IV hằng năm là cao điểm mua sắm tại Việt Nam với nhiều ngày hội như 10-10, ngày độc thân 11-11, Black Friday, Cyber Monday, 12-12.

Trong đó, 11-11 là lễ hội mua sắm phổ biến nhất tại Việt Nam. Năm 2018, doanh số TMĐT tạo ra trong ngày này tăng 64% so với mức trung bình các ngày trong năm. Lượng truy cập của các trang cũng tăng 23%.

Mua sắm kết hợp giải trí

Khác với mọi năm, bên cạnh việc tung ra các đợt giảm giá sâu 50%-70%, năm nay các sàn TMĐT tập trung vào trải nghiệm mua sắm giải trí tốt nhất cho người dùng. Trong đó đáng chú ý là tính năng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) nhằm bổ sung nhiều cách thức thú vị để người tiêu dùng lấy mã giảm giá thông qua các hoạt động tương tác trên mạng xã hội.

Chris Feng, Giám đốc điều hành của Shopee, bày tỏ giá trị cốt lõi là mua sắm nhưng mục tiêu là cả gia đình có thể cùng lên sàn để mua sắm, do đó giải trí là yếu tố không thể thiếu của nền tảng TMĐT.

Theo đó Shopee đang sở hữu một kho game giải trí có tính "địa phương hóa" rất cao, điều này giúp cho ứng dụng nhanh chóng trở thành sàn TMĐT được truy cập nhiều nhất, theo xếp hạng của iPrice Insight.

Đơn cử, ngoài săn mã giảm ở chương trình trực tiếp hay Lắc Siêu xu thì năm nay Shopee chính thức ra mắt trò chơi tương tác Hứng xu Shopee. Theo đó với mỗi lượt chơi, người dùng có thể quan sát và di chuyển tương tác để nhận được Shopee xu với tổng kho xu lên đến 1,4 tỉ đồng, cùng những phần thưởng có giá trị.

“Riêng ngày 11-11, người dùng sẽ có cơ hội nhận “mưa voucher” mua sắm với tổng giá trị đến 200 triệu đồng trong chương trình phát sóng trực tiếp từ 18 giờ đến 24 giờ ngay trên ứng dụng mua sắm Shopee” - ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết.

Trong năm 2018, sàn này công bố đã đạt hơn 11 triệu đơn hàng giao dịch trong ngày 11-11, tăng khoảng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước và 24 lần so với 2016.

Không đứng ngoài cuộc chơi, Lazada đứa con của Alibaba - cha đẻ ngày 11-11, cũng tiết lộ sẽ mang đến hàng trăm ngàn mã giảm giá với tổng giá trị lên đến 11 tỉ đồng. Theo đó, sàn này tung ra nhiều yếu tố giải trí trong khi mua sắm như Moji-Go và LazCity Wonderland, cho phép người dùng săn mã giảm từ các thương hiệu của gian hàng chính hãng.

Bên cạnh đó, Lazada quyết định chơi lớn khi tổ chức “Đêm nhạc hội” với nhiều ca sĩ nổi tiếng, tại sự kiện, sàn này tung ra cơn mưa giảm giá với các mã giảm độc quyền cho lễ hội mua sắm 11.11 ngay trong thời gian diễn ra sự kiện.

Ngoài ra nền tảng này, họ đang hợp tác với các đối tác để ra mắt các sáng kiến ngoại tuyến sang trực tuyến cho phép người dùng đến các cửa hàng của đối tác quét mã QR và nhận phần thưởng.

Adayroi cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi tổ chức game "Đấu giá ngược" chỉ từ 1.000 đồng với sản phẩm có giá trị cao như iPhone 11, xe tay ga Yamaha JanusiPad, Airpod, hay các sản phẩm thời trang… để thu hút người mua sắm.

Cuối năm là thời điểm các sàn TMĐT bùng nổ cuộc đua giảm giá. Ảnh: PLO

Cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng

Một chuyên gia về TMĐT nhận xét rằng việc sử dụng các phương thức giảm giá hay trò chơi trực tuyến, hoạt động âm nhạc, gặp gỡ người nổi tiếng… không chỉ kích cầu người tiêu dùng mua sắm mà còn là phương thức giữ chân người tiêu dùng ở lại lâu hơn trên sàn.

Điều này cũng được nền tảng so sánh giá iPrice nhận định xu hướng thiên về giải trí và gia tăng trải nghiệm là bước chuyển hướng của các doanh nghiệp e-commerce Việt Nam và các nước Đông Nam Á sau những cuộc đua giảm giá ở những năm trước.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng: “Một thực tế diễn ra trong các đợt bão giảm giá chính là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Do đó các sàn TMĐT cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ”.

Bởi theo vị này, mức độ hiệu quả trong hoạt động của đơn vị TMĐT không chỉ thể hiện qua lượt truy cập mà còn là chỉ số hài lòng về các sản phẩm, dịch vụ vận chuyển, hậu mãi đi kèm tăng trưởng doanh số hay đơn hàng. 

Chính vì thế, thực tế tại các sàn TMĐT cho thấy những đợt giảm giá cuối năm không chỉ là cuộc đua về sản phẩm bán ra mà còn cuộc chiến vận chuyển và hậu mãi, mà ở đấy Shopee, Lazada, Tiki, Sendo hay Adayroi… đều phải bức tốc để giành thị phần trong nền kinh tế số đầy tiềm năng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm