Chở thuê 2 chuyến nhớt giả bị kết tội sản xuất, buôn bán hàng giả

(PLO)- Quảng chỉ chở hai chuyến nhớt giả; nếu có thì trách nhiệm của Quảng chỉ dừng lại ở mức phải chịu trách nhiệm đối với những chai nhớt giả đã vận chuyển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-7, Toà án quân sự Quân khu 7 sẽ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vũ Thị Nở, Phan Đình Tin, Ngô Quang Động và Đoàn Văn Quảng cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 4/5 bị cáo.

Vụ án này khiến dư luận băn khoăn về việc kết tội với mức án 5 năm tù đối với tài xế Đoàn Văn Quảng - người chở thuê hai chuyến hàng cho bị cáo Nở. Quảng không biết và không tham gia vào quy trình sản xuất nhớt giả, chỉ chở thuê và thu tiền vận chuyển.

Chở thuê hai chuyến hàng lãnh 5 năm tù

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án quân sự khu vực, khoảng tháng 1-2021, Nở thuê kho của Xí nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải (Quân khu 7) để chứa phế liệu.

doan_van_quang.jpg
Đoàn Văn Quảng chở thuê hai chuyến hàng nhớt giả bị tuyên án 5 năm tù. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đến tháng 1-2022, thấy việc sản xuất và bán nhớt giả mang lại lợi nhuận cao nên Nở mua nhớt kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về san chiết ra các chai, thùng nhớt dán các nhãn hiệu Castrol, Honda, Yamaha...

Nở thuê và giao cho Phan Đình Tin phụ trách việc sản xuất nhớt giả, Tin thuê thêm người cùng làm...

Đến khoảng tháng 2-2022, Nở thuê Đoàn Văn Quảng vận chuyển số nhớt thành phẩm từ kho nêu trên đến kho tại địa chỉ ở phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương với giá 1 triệu đồng/chuyến. Quảng đã vận chuyển được hai chuyến.

Tôi không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy, chỉ nghĩ chở thuê lấy công. Rất mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho tôi.

Bị cáo ĐOÀN VĂN QUẢNG

Theo kết luận định giá, tổng giá trị nhớt giả trong 3.978 chai, can, thùng là 423 triệu đồng. Các bị hại trình bày không xác định được thiệt hại và không yêu cầu bồi thường.

Xử sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt Nở sáu năm tù, Tin năm năm tù, Động bốn năm tù, Thắng một năm tù cho hưởng án treo, Quảng năm năm tù cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Quảng cho biết làm nghề lái xe thuê, thù lao từ công việc này là nguồn thu nhập chính nuôi cả gia đình. Một lần, khi Quảng đậu xe ở cây xăng thì bà Nở đến gặp và thuê Quảng chở phế liệu từ kho đi Long An, Bình Dương.

Khoảng 6-7 tháng chở phế liệu cho Nở, đến khoảng tháng 2-2020, Quảng được bà Nở thuê chở hàng là những can dầu, nhớt từ kho đi Bình Dương với giá 1 triệu đồng/chuyến.

Do hàng hoá mà Quảng được thuê chở là những thùng nhớt hoàn toàn mới, được đóng gói thành phẩm, có tem chống hàng giả nên Quảng không nghi ngờ, không hỏi về hoá đơn, chứng từ.

Quảng hiện được tại ngoại chờ ngày xét xử. Hằng ngày, Quảng thuê xe của người khác để đi chở thuê kiếm đồng tiền công nuôi ba con nhỏ (sinh năm 2011, 2013 và 2014).

Trao đổi với phóng viên, Quảng nói: "Tôi không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy, chỉ nghĩ chở thuê lấy công. Rất mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho tôi".

Trách nhiệm của người chở thuê đến đâu?

Nhiều bạn đọc thắc mắc "sao chỉ chở thuê mà Quảng lại bị xử lý về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả". Bình luận về vấn đề này, sau khi nghiên cứu cáo trạng, kết luận điều tra và một số tài liệu, chứng cứ khác, Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu nhận định rằng HĐXX cấp phúc thẩm cần xem xét, đánh giá toàn diện về mức độ, hành vi của bị cáo Quảng trong vụ án này để quyết định một mức hình phạt hợp tình, hợp lý.

Bởi lẽ, bản án sơ thẩm đã xác định và buộc bị cáo Quảng phải chịu trách nhiệm với toàn bộ 3.978 chai, can, thùng nhớt được giám định là giả. Trong khi thực tế bị cáo này chỉ chở hai chuyến hàng (khoảng 90 chai) với nhận thức không hề biết đây là số hàng giả (chỉ nghi ngờ là nhớt giả). Nếu có thì trách nhiệm của bị cáo Quảng dừng lại ở mức phải chịu trách nhiệm đối với 180 chai nhớt giả đã vận chuyển.

IMG_1314.jpeg
Công an khám xét xưởng sản xuất nhớt xe máy giả của Vũ Thị Nở. Ảnh: CA

Cạnh đó, lời khai có trong hồ sơ tài liệu và diễn biến phiên toà sơ thẩm cả bị cáo Nở và bị cáo Quảng đều khẳng định Quảng chỉ là người được Nở thuê chở hai chuyến hàng, hoàn toàn không biết và không tham gia và quy trình sản xuất nhớt giả. Bị cáo Quảng chở thuê khi số nhớt giả này đã thành phẩm, mục đích của bị cáo Quảng chỉ là chở hàng và thu tiền vận chuyển.

Khi xử lý những người thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm mang tính chất giản đơn thì cần phải xác định thời điểm mà người đồng phạm tiếp nhận ý chí. Trong vụ án này, bị cáo Nở không có bất kỳ một hành động nào thể hiện ra bên ngoài để cho bị cáo Quảng biết ý chí của mình là đang sản xuất nhớt giả và thuê Quảng chở nhớt giả vì bị cáo Nở cố ý muốn che giấu việc này với Quảng.

Trường hợp, nếu chứng minh được bị cáo Quảng tiếp nhận ý chí của bị cáo Nở thì bị cáo Quảng chỉ phải chịu liên đới trong một khâu đó là vận chuyển hàng giả.

Một điểm khác cũng cần xem xét là vụ án chưa có hậu quả xảy ra (chưa sản phẩm nào được đưa ra thị trường). Dù hành vi sản xuất hàng giả của bị cáo Nở đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm đi chăng nữa thì việc vận chuyển của bị cáo Quảng chưa gây ra hậu quả nào đối với nhà sản xuất (hàng thật) và người tiêu dùng. Các bị hại trong vụ án cũng trình bày không xác định được thiệt hại và không yêu cầu bồi thường.

Số lượng thành viên hội đồng định giá không đúng quy định

Hội đồng định giá trong vụ án này có sáu người là trái với quy định của Nghị định 30/2018 (quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự).

Theo Nghị định 30/2019 thì số lượng thành viên trong hội đồng định giá phải là số lẻ và tối thiểu là 3 người.

Luật sư TRẦN VĂN GIỚI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm