Choáng với tần suất chặt đầu hành quyết của Ả Rập Saudi
Tốc độ các vụ tử hình đột ngột tăng mạnh trong tháng 8 năm ngoái và tiếp tục tăng khi vua Salman lên ngôi vào tháng Giêng năm nay. Theo một báo cáo dài 44 trang của tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hôm 28-11, từ tháng 1 năm 1985 đến nay đã có ít nhất 2.208 người bị xử tử.
Gần một nửa số người bị xử tử là người nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự mất cân đối của hệ thống tư pháp Ả Rập xuất phát từ thành kiến bài ngoại và thực trạng thiếu người nước ngoài biết tiếng Ả Rập có thể giải quyết thủ tục tố tụng.
Hơn một phần tư số người bị xử tử bị cho là có hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, tuy nhiên án tử hình cũng bị lạm dụng đối với cho các tội khác vốn không bị coi là "nghiêm trọng" - hoặc thậm chí không phải tội nếu xét theo luật quốc tế, bao gồm: ngoại tình, bỏ đạo, phù thủy.
Biểu tình ở Yogyakarta sau vụ một người giúp việc gốc Indonesia bị xử tử
Ông Noumedouha, Quyền Giám đốc về Ân xá tại Trung Đông, cho biết hệ thống tư pháp Ả Rập gây ra các vụ giết người là một hệ thống "lầm lạc nghiêm trọng". Ông lên tiếng: "Việc sử dụng hình phạt tử hình là rất khủng khiếp trong mọi hoàn cảnh và nó càng tồi tệ hơn khi bị sử dụng tùy tiện trong các phiên xét xử thiếu công bằng”.
"Thay vì ra sức bảo vệ kỷ lục tử hình kinh hoàng, các cơ quan chức năng Ả Rập Saudi cần sớm thiết lập một lệnh cấm chính thức các vụ xử tử, thay vào đó áp dụng các tiêu chuẩn xét xử công bằng của quốc tế".
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Ả Rập Saudi thực hiện hầu hết các vụ xử tử bằng cách chặt đầu. Mặc dù Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt hành quyết theo phương thức này, nhiều tù nhân vẫn bị chặt đầu ở các quảng trường hoặc các không gian công cộng mà bất kỳ ai cũng có thể đến chứng kiến.
Trong một số trường hợp, thi thể của họ sẽ được giữ lại được trưng bày trước công chúng như một lời răn đe những người khác.
Xử tử cả trẻ em và người khuyết tật
Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh hai trường hợp vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế - bao gồm cả các công ước mà Ả Rập Saudi đã ký kết:
Vào ngày 27-5-2014, tòa án ở Jeddah tuyên án tử hình thiếu niên Ali Mohammed Baqir al-Nimr 16 tuổi, cậu bị cáo buộc phạm tội biểu tình phản đối chính phủ, tấn công lực lượng an ninh và cướp có vũ trang. Tổ chức Ân xá cho biết Ali al-Nimr bị kết án dựa theo "lời thú tội" mà cậu vì bị tra tấn nên buộc phải nói ra.
Khi Vua Salman lên ngôi, người ta đã hy vọng Ả Rập Saudi sẽ giảm các cuộc hành quyết. Ít có ai đoán trước được tình hình kinh khủng hiện tại
Ngày 14-4-2015, Ả Rập Saudi đã xử tử một bà mẹ Indonesia hai con phạm tội giết người, mặc cho các báo cáo của lực lượng an ninh cho biết bà Siti Zainab Binti Duhri Rupa bị tâm thần nặng. Bà bị thẩm vấn và bị buộc phải "thú tội". Tổ chức Ân xá cho biết trong suốt giam giữ và xét xử, bà không hề có một đại diện pháp lý nào.
Bưng bít thông tin
Báo cáo của Ân xá Quốc tế được soạn thảo dựa trên các cuộc phỏng vấn những người bị kết án tử hình, các đại diện pháp lý hoặc gia đình họ. Bản báo cáo phân tích các văn bản quy phạm pháp luật và theo sát các thông báo của chính phủ về án tử hình trên các kênh tin chính thống.
Tuy nhiên, tổ chức cho biết họ chưa bao giờ được cấp quyền tiếp cận thông tin tại Ả rập Saudi và cũng chưa bao giờ nhận được một phản hồi, trợ giúp, hay thư từ nào từ chính phủ Saudi.
Tội nhân và người thân gia đình không bao giờ dám liên lạc với những cơ quan quốc tế, bởi việc đó sẽ chỉ làm tình hình càng thêm "phức tạp". Họ chỉ có thể nhận được ân xá nếu chịu giữ im lặng.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế về các quốc gia có số vụ hành quyết cao nhất trong năm ngoái, Ả Rập Saudi hiện đứng thứ ba, trước Iraq và Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Iran.
Các vương quốc Ả Rập rất hiếm khi bình luận về những hình phạt khắc nghiệt trong hệ thống luật lệ nặng yếu tố tôn giáo của họ. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2003, một người đàn ông được mô tả là đao phủ hàng đầu trả lời tờ Arab News rằng ông ta "rất tự hào vì làm công việc mà Thánh Allah giao phó".