Trong đơn khởi kiện, ông S. trình bày: Nhà ông và nhà vợ chồng ông H. ở cạnh nhau, trước đây hai bên từng có mâu thuẫn từ việc xây hàng rào. Chiều 11-7-2016, ông đang cho heo ăn thì bị cát bay vào mắt. Khi ông đang loay hoay thì thấy cháu ông H. đang chơi ở bên nhà ông H. Ông đã qua nhờ cháu bé lấy cát giúp.
Khi cháu bé đang lấy cát giúp thì ông S. bị ông H. đứng phía sau lưng dùng rựa chém một nhát vào cổ, một nhát vào vành tai phải sướt qua má phải, một nhát vào phần giữa lưng dưới. Ông S. ngã xuống và nghe cháu bé la lên, còn ông H. thì bỏ vào nhà.
Sau đó, ông S. phải đi cấp cứu, rồi điều trị ở BV đa khoa tỉnh Bình Định hết 40 ngày, tổng chi phí hơn 40 triệu đồng (có chứng từ). Theo kết quả giám định, ông bị tổn thương sức khỏe 13%. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu vợ ông H. phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông hơn 40 triệu đồng vì ông H. bị bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức.
Làm việc với tòa, vợ ông H. trình bày: Chồng bà bị bệnh tâm thần đã được cấp sổ nhưng ở nhà điều trị, gia đình thay phiên nhau trông chừng. Việc chồng bà dùng rựa chém ông S. thì bà không biết vì lúc đó bà không có mặt ở nhà. Sau khi sự việc xảy ra, bà có gửi cho ông S. 6 triệu đồng nhưng ông S. không chịu nhận. Tại Công an thị xã An Nhơn, bà cũng đề nghị hỗ trợ cho ông S. 10 triệu đồng nhưng ông S. vẫn không nhận. Nay ông S. yêu cầu bà bồi thường cho ông hơn 40 triệu đồng, bà không đồng ý, chỉ chấp nhận bồi thường toàn bộ tiền thuốc và chi phí điều trị trong thời gian ông S. điều trị tại trung tâm y tế thị xã (chín ngày).
Tháng 5-2018, TAND thị xã An Nhơn đã xử sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông S., buộc vợ ông H. phải bồi thường gần 14 triệu đồng. Sau đó, ông S. kháng cáo, yêu cầu được bồi thường thêm phần bồi dưỡng sức khỏe với số tiền hơn 9,7 triệu đồng, tăng mức bồi thường về ngày công lao động bị mất trong thời gian bốn tháng với số tiền 14,4 triệu đồng.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bình Định nhận định: Mức bồi thường mà tòa sơ thẩm tuyên là chưa thỏa đáng với thiệt hại của ông S. bởi ông bị ông H. dùng rựa chém vào vùng gáy, tai, lưng là những vị trí nguy hiểm trên cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng. Thương tích của ông S. do ông H. gây ra là nghiêm trọng.
Theo HĐXX, ông S. phải điều trị trong thời gian dài nên việc ông yêu cầu bồi dưỡng sức khỏe là có cơ sở. Sau khi ra viện, sức khỏe của ông S. chưa phục hồi hẳn, không thể lao động nặng, trong khi ông là lao động chính trong gia đình nên yêu cầu tăng mức bồi thường về ngày công lao động bị mất của ông cũng có cơ sở để chấp nhận.
Từ đó HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của ông S., sửa án sơ thẩm, tuyên buộc vợ ông H. phải bồi thường cho ông S. hơn 38 triệu đồng.
Trách nhiệm của người giám hộ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. (Theo khoản 3 Điều 586 BLDS 2015) |