Chống dịch COVID-19: Đóng góp của dân là không thể đo đếm

(PLO)- Sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của các trạm y tế xã, phường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quốc hội (QH) dành cả ngày 29-5 để thảo luận về Báo cáo giám sát huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều khía cạnh về chống dịch COVID-19 cũng như thực trạng ngành y tế bộc lộ trong dịch đã được thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các đại biểu Quốc hội ngày 29-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các đại biểu Quốc hội ngày 29-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cần khen thưởng tốt hơn...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo cho hay: Tính đến tháng 12-2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 230.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước trên 186,4 ngàn tỉ đồng và tài trợ, viện trợ khoảng 43,6 ngàn tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng những thống kê về nguồn lực cho phòng, chống dịch mới chỉ thống kê chủ yếu từ nguồn lực ngân sách nhà nước. Những đóng góp của nhân dân là không thể cân đong đo đếm được.

Đặc biệt, bà Thúy Anh cho hay: “Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch. Đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19. Nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự”.

Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình rằng: Tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai không vụ lợi mà chỉ vì để kịp thời chống dịch nhằm vì lợi ích của cộng đồng mà vi phạm pháp luật, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của QH.

Nhiều ĐB đồng tình rằng: Tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình với những ai không vụ lợi...

Nhìn thẳng vào những thách thức với hệ thống y tế

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng: Gốc rễ vấn đề của hệ thống y tế qua đại dịch không chỉ nằm ở cơ sở, lương, phương tiện hiện đại mà còn nằm ở chức năng dự phòng và điều trị. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai, theo ĐB Hiếu, đang ngày càng “teo tóp” khiến việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước đây.

“Dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường” - ông Hiếu nói và cho rằng sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của các trạm y tế xã, phường.

“Không có lý gì cùng là một bệnh, nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc giá 100 đồng/viên, còn lên tỉnh, huyện lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực tiền thù lao chẳng đáng là bao, khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn trừ ngược trừ xuôi” - ông Hiếu dẫn chứng.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị thử nghiệm mô hình mới. Theo đó, cần coi các trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện. ĐB Hiếu nói: “Y tế còn bộn bề công việc, rất mong QH, Chính phủ, người dân có góc nhìn khách quan, cảm thông để ủng hộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Đồng tình với ĐB Hiếu cũng như một số ĐB khác về vấn đề này, ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) cho rằng đầu tư cho y tế không thể cào bằng giữa những nơi như Hà Nội, TP.HCM giống các nơi khác.

ĐB Thức cũng đề nghị xem xét lại chuyện luân chuyển bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm y tế xã vì như vậy bác sĩ trẻ không có cơ hội thực hành, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm. Ngược lại, ĐB Thức đề nghị luân chuyển các bác sĩ có kinh nghiệm về trạm y tế xã 3-6 tháng và coi đó là trách nhiệm xã hội của các bác sĩ.•

Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:

Chính phủ rất quyết liệt

21 giờ hôm trước khi thành lập quỹ vaccine, Thủ tướng đã gọi cho tôi xem có thành lập được quỹ vaccine không. Tôi trả lời là có thể thành lập được. Ngay đêm đó, tôi triệu tập các cục, vụ của Bộ Tài chính tập trung xây dựng hồ sơ, dự thảo và văn bản hướng dẫn về quỹ vaccine. Sáng hôm sau, hồ sơ về quỹ vaccine đã được đặt trên bàn của Thủ tướng lúc 8 giờ. Quỹ vaccine sau đó đã góp phần chủ động mua vaccine.

Chính phủ, Thủ tướng có khi họp đến 2 giờ sáng về cơ chế, chính sách như dự thảo Nghị quyết 43/2022 của QH để có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Giai đoạn đó, theo bộ trưởng, không nhiều người nghĩ đến thành công như vậy. Trong giai đoạn chống dịch, có thể nói tất cả các ngành đều tập trung để cứu dân, cứu người, để phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN:

Tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, thiết bị y tế

Chính phủ trong thời gian qua đã chỉ đạo ban hành rất nhiều văn bản và trình QH ban hành Nghị quyết 80, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144 và Nghị quyết 30, cùng với nhiều văn bản, nghị định, các văn bản của các bộ, ngành, các thông tư hướng dẫn để tập trung cho công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Hiện nay, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình QH Luật Đấu thầu, Luật Giá và phía Bộ Y tế chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trình Luật Dược (sửa đổi), Luật BHYT, Luật Phòng bệnh… để giải quyết căn cơ những vấn đề này về cơ sở pháp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm