Ngày 6-10, tại UBND TP Thủ Đức, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19. .uổi lễ đã dành một phút tưởng niệm các y bác sĩ đã hy sinh trong trận chiến chống dịch COVID-19. Có 43 tập thể đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP trân trọng trao bằng khen và tiền thưởng cùng 124 cá nhân được trao huy hiệu của TP.HCM.
Lá thư xúc động viết trên giấy ăn
Báo cáo tại lễ tuyên dương, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM đã và đang có những chuyển biến tích cực khi số ca thu dung điều trị mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả tầng; số ca mắc mới, tử vong tiếp tục giảm; số ca F0 nhập viện thấp hơn số ca xuất viện.
Bên cạnh đó, TP.HCM hiện có 17 địa phương được đánh giá là đã kiểm soát được dịch và năm địa phương đang chờ thẩm định. “TP cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh” - BS Châu nêu.
Được trao tặng huy hiệu của TP.HCM, các cá nhân không khỏi xúc động và vui mừng khi TP.HCM đang “khỏe” lại, ngày về với tâm thế hân hoan đang đến gần.
“Thân gửi tập thể các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 11. Tôi là một bệnh nhân đang điều trị tại lô K, phòng 1203. Xin chân thành cảm ơn các y bác sĩ tại bệnh viện đã tận tâm chăm sóc cho tôi và tất cả bệnh nhân ở đây được khỏe mạnh về với gia đình... Cố lên những người con thân yêu của Tổ quốc...” - điều dưỡng Lê Thị Hồng Gấm, Bệnh viện (BV) Da liễu trung ương, được điều động chống dịch ở BV dã chiến số 11 do BV Nhi đồng 2 phụ trách, đưa cho chúng tôi xem những dòng thư nắn nót viết trên tấm giấy ăn. Đây là thư của một bệnh nhân được xuất viện về nhà khiến chị mỗi lần đọc đều xúc động và tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn.
Chị Gấm chia sẻ chị cùng đoàn 34 y bác sĩ BV Da liễu trung ương vào TP.HCM từ ngày 11-8, mới đầu, công việc chăm sóc bệnh nhân rất áp lực và căng thẳng khi bệnh nhân nhập viện rất đông. Một bác sĩ và một điều dưỡng chăm sóc đến 100 bệnh nhân. Không chỉ làm công tác chuyên môn, chị Gấm và các đồng nghiệp còn là chỗ dựa tinh thần cho các bệnh nhân. “Có những bệnh nhân hay tin người thân qua đời khi đang nằm viện thì không còn tha thiết chữa trị nữa, đòi về bằng được. Chúng tôi phải động viên họ gắng gượng và cảm thấy cuộc chiến này quá khốc liệt. Người thân của mình qua đời nhưng không được chăm sóc lúc cận kề trút hơi thở thật đau đớn” - chị Gấm chia sẻ.
Tự hào gắn trên áo huy hiệu của TP.HCM, BS quân y Quách Duy Chung, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, chia sẻ cùng các đồng nghiệp hỗ trợ trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. BS Chung kể những ngày đầu vào tiếp quản công việc chăm sóc, cấp cứu F0, công việc khá nhiều khi xã phát hiện 150-200 ca F0 mới mỗi ngày, nhiều khu nhà trọ ti lệ dương tính cao.
“Có những ngày công việc lấy mẫu, cấp cứu F0 xoay vòng, 2 giờ chiều chúng tôi mới ăn cơm, cấp cứu F0 thì bất kể giờ giấc. Địa bàn khá rộng, nếu để tự đi, chúng tôi khó mà tìm đến nhà F0 nhanh. Thật may là các đội tình nguyện rất nhiệt tình dẫn đường, phối hợp suôn sẻ” - BS Chung kể. BS Chung nhớ mãi trường hợp người đàn ông 42 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật, 22 giờ lên cơn hạ canxi đường huyết, người nhà hoảng loạn báo tin anh khó thở, không nói được, co quắp chân tay. Nhờ sự dẫn đường của tình nguyện viên, 10 phút sau, đội cấp cứu có mặt tại nhà, cho bệnh nhân thở ôxy, uống thuốc kịp thời. Bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và được chuyển đến khu cách ly tập trung để theo dõi tiếp.
Không chỉ được đội tình nguyện viên ở địa phương nhiệt tình tiếp sức, BS Chung kể đội hỗ trợ cũng được bà con xung quanh quý mến, khi thì cho quả trứng, bó rau, bữa ăn sáng để cải thiện bữa ăn.
“Không có ai kêu gọi cả, anh Tùng tình nguyện trực tiếp lái xe đưa đón chúng tôi đến các điểm lấy mẫu và chở về, không những thế, anh còn huy động người nhà dành hẳn ba ô tô để hỗ trợ đưa đón chúng tôi. Cô Năm ngày nào cũng nấu cho các em sinh viên một nồi thức ăn để bồi bổ... Công việc lấy mẫu có khi kéo dài đến 0 giờ mới về, các em được các cô, bác cho hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt để ăn cho đỡ đói” - ThS Nguyễn Hoàng Chính, phụ trách đoàn 121 giảng viên và sinh viên Trường CĐ Y tế Bạch Mai, nhớ mặt đặt tên những người tốt bụng.
ThS Chính cho biết đoàn hỗ trợ quận 12 lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 22-8 đến nay. Cao điểm có ngày một đội gồm hai bạn chỉ đi lấy mẫu ở một vùng nhưng phát hiện cả trăm ca F0. Đoàn cũng có ba sinh viên đã nhiễm COVID-19 và được điều trị khỏi bệnh.
Các thành viên đoàn 121 y bác sĩ của Trường CĐ Y tế Bạch Mai hỗ trợ quận 12 lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: NVCC
Bộ Y tế đề nghị rút dần lực lượng chi viện chống dịch tại TP.HCM Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc sắp xếp để nhân lực hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP được trở về địa phương công tác. Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ, viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM được về địa phương, đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15-10. |
TP.HCM đang hồi sinh
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo TP trân trọng bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cám ơn sâu sắc đến các lực lượng đã không ngại hiểm nguy và gian khó để kề vai sát cánh cùng TP trong thời gian thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
“Hơn hai tháng qua, các anh chị em đã đến với TP.HCM trong một đợt công tác đầy hy sinh, vất vả mà không chút do dự. Anh chị em đã phải xa con thơ, cha già mẹ yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh chị em mặc kín bộ quần áo bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. Những hình ảnh và nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương và trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân TP” - Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn.
Theo Chủ tịch TP, tình hình dịch bệnh ở TP bước đầu được kiểm soát, tạo điều kiện từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. “Mấy hôm nay phần nào TP đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của trung ương, của TP, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Hơn 28.900 nhân sự bộ, ngành trung ương hỗ trợ TP.HCM chống dịch Tính đến ngày 30-9, TP.HCM có hơn 187.200 người tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP, trong đó có hơn 158.200 nhân lực tại TP (bao gồm các F0 đã khỏi bệnh) và hơn 28.900 nhân sự của các bộ, ngành trung ương. Để giảm thiểu tỉ lệ tử vong, Bộ Y tế đã thành lập bốn trung tâm hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 tại TP.HCM thuộc bốn BV trực thuộc Bộ Y tế với hơn 2.000 cán bộ y tế. Cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng cũng tăng cường hơn 16.600 người với các nhiệm vụ phụ trách trạm y tế lưu động, phối hợp triển khai chốt kiểm soát dịch COVID-19, tổ tuần tra trên địa bàn... Bộ Quốc phòng cũng tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân tại sáu cơ sở của BV Quân y 175, BV Quân dân y miền Đông, BV dã chiến truyền nhiễm số 5, 5C, 5D, 5G. Để tăng cường cho công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y thuộc bộ, ngành trung ương đã tăng cường cho TP hơn 4.000 người. |