Hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 10-11 ghi nhận theo một tài liệu quân sự nội bộ của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đang cân nhắc lập khu vực nhận dạng phòng không với lý do Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát tài nguyên biển hiệu quả nếu không có khu vực nhận dạng phòng không.
Khu vực nhận dạng phòng không là vành đai vòng ngoài để phòng vệ trên không, được thiết lập bên ngoài không phận mỗi nước. Khi máy bay nước ngoài bay vào khu vực này của một nước mà không thông báo trước, nước này có thể triển khai máy bay chiến đấu để giám sát và ngăn chặn xâm phạm không phận.
Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thiết lập khu vực nhận dạng phòng không.
Hãng tin Kyodo ghi nhận nếu được thành lập, chắc chắn khu vực nhận dạng phòng không của Trung Quốc sẽ chồng lấn với khu vực nhận dạng phòng không của Nhật tại biển Hoa Đông vì khu vực nhận dạng phòng không của Nhật nằm vượt qua bên ngoài đường trung tuyến tại biển Hoa Đông. Kyodo cho rằng động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Bộ Quốc phòng Nhật triển lãm xe tăng hạng nhẹ sản xuất trong nước tại Sagamihara ngày 9-10. Ảnh: ASAHI SHIMBUN
Trước đó, ngày 9-11, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin riêng cho biết Bộ Quốc phòng Nhật dự định sẽ phê duyệt chiến lược sản xuất thiết bị quốc phòng mới vào tháng 3-2014. Nguồn tin nhận định chiến lược mới sẽ mở đường cho Nhật tham gia rộng rãi hơn trong các dự án nghiên cứu và sản xuất vũ khí với các nước khác, đồng thời có thể tiếp thị trên toàn cầu các thiết bị quốc phòng không sử dụng trong chiến đấu.
Theo chính sách mới, Nhật sẽ phân loại các thiết bị vũ khí và xác định các thiết bị vũ khí mà công ty vũ khí trong nước được phép hợp tác sản xuất với các công ty nước ngoài.
Một số hạng mục vũ khí có thể được cho phép trong các dự án phát triển vũ khí quốc tế bao gồm máy bay, các thiết bị vũ khí liên quan đến phòng thủ tên lửa và thiết bị bảo hộ hóa học. Trong khi đó, đạn dược, radar nằm trong số thiết bị quốc phòng chỉ được sản xuất trong nước Nhật vì lý do an ninh và nhiều lý do khác.
Với chiến lược mới, Nhật có thể bán trên thị trường quốc tế một số thiết bị quốc phòng không phục vụ mục đích chiến đấu như thủy phi cơ tìm kiếm và cứu hộ US-2, xe tải, thiết bị khử độc.
Năm 1970, Cơ quan Quốc phòng Nhật (sau này là Bộ Quốc phòng) đã thông qua chính sách phát triển và sản xuất thiết bị quốc phòng. Theo chính sách này, khoảng 90% thiết bị quốc phòng hoặc sử dụng công nghệ trong nước hoặc sản xuất theo giấy phép của các đồng minh, chủ yếu là Mỹ. Hiện nay chính sách này không còn khả thi vì nhiều nước và nhiều công ty cùng tham gia sản xuất thiết bị quốc phòng.
Năm 1967, Nhật đưa ra nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí, trong đó quy định không bán vũ khí cho các nước cộng sản, các nước bị cấm vận vũ khí theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và các nước dính líu đến xung đột quốc tế. Năm 1976, ba nguyên tắc này được siết chặt hơn và gần như cấm xuất khẩu vũ khí hoàn toàn.
Đài truyền hình NHK (Nhật) ngày 10-11 đưa tin hôm trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã thị sát căn cứ tàu ngầm ở Kyogamisaki thuộc tỉnh Kyoto, nơi Mỹ và Nhật dự định lắp đặt hệ thống radar X-band. Tuyên bố với báo chí, ông Itsunori Onodera nhấn mạnh nếu không cải thiện được tính chính xác của radar, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật sẽ bị ảnh hưởng. Cách đây hai tháng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích kế hoạch lắp đặt radar X-band của Nhật sẽ làm đảo lộn cán cân chiến lược trong khu vực. |
THẠCH ANH