Chống ngập kiểu nâng đường, bao giờ mới kết thúc?

Chống ngập kiểu nâng đường, bao giờ mới kết thúc? ảnh 1
Nhà biến thành hầm sau khi nâng đường chống ngập

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã bày tỏ như thế tại hội thảo khoa học về các giải chống ngập ứng phó nước biển dâng trên địa bàn TP.HCM, ngày 8-4.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng việc bê tông hóa quá nhiều trên địa bàn TP đang làm giảm đi một lượng lớn lượng nước mưa có thể bổ cập cho nước ngầm nhưng lại gây căng thẳng cho hệ thống thoát nước.
“Cần phải tạo mảng xanh, làm vỉa hè mềm, xây thêm hồ, hầm chứa nước… để góp phần chống ngập. Nếu chống ngập theo kiểu nâng đường nâng nhà thì không biết đến bao giờ mới kết thúc”, ông Hòa lo lắng.
GS-TS Nguyễn Tất Đắc cũng đặt vấn đề: “Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn dâng cao, ngành cấp nước gặp khó khăn nhưng công tác cấp nước và thoát nước hình chưa thấy có sự phối hợp đồng bộ”…
Theo GS Đắc, cần phải nghiên cứu thêm các giải pháp thoát nước chống ngập gắn kết với công tác chống xâm nhập mặn và cấp nước cho TP.
TS Bùi Việt Hưng (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định, tình trạng lan lấp ven sông Sài Gòn đã làm cho tình trạng ngập nước gia tăng. “Qua nghiên cứu, tính toán của chúng tôi, với 1.600 ha vùng đất ngập nước ven sông Soài Rạp và các vùng trũng ven Sài Gòn bị san lấp sẽ làm gia tăng mực nước sông Sài Gòn ở trạm Phú An lên 1cm”, ông Hưng giải thích.
Theo TS Hưng, TP cần khoảng 80.000 ha diện tích cho vùng đất ngập nước tại khu vực vịnh Gành Hào (Cần Giờ) nhưng hiện nay khu vực chứa triều này chỉ khoảng 40.000 ha. Do đó, tối thiểu, TP cần phải có thêm 40.000 ha đất ngập nước nữa.

Nguy cơ ngập triều ở TP.HCM có thể tăng lên

Trước đó, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước, Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết triều cường xâm nhập vào địa bàn TP.HCM thông qua 13 cửa chính. Trong đó, thông qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bằng 10 cửa chính, còn lại thông qua hệ thống sông Vàm Cỏ Đông…
Ông Long cho biết thêm hiện nay hệ thống cống thoát nước của TP chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh rạch. Tuy nhiên, trong thời gian qua do thiếu ngân sách nên phần lớn kênh rạch bị bồi lắng, gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước…
Theo ông Long, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, TP đang phải đối mặt với nguy cơ ngập do triều cường.
Kỹ sư Lê Thành Công (Giám đốc một công ty xây dựng tư nhân) cho rằng những báo cáo của ông Long hầu như không có hướng tiếp cận mới, chưa thấy có giải pháp nào mang tính đột phá… “Ví dụ như tính toán mưa, chúng ta chưa làm rõ mưa tăng thời gian, theo không gian như thế nào, tâm mưa ở TP ra sao nên rất khó có thể đưa ra giải pháp phù hợp…”, ông Công nói.
Theo PGS-TS Trịnh Công Vấn, trong thời gian qua đã có rất nhiều công tình nghiên cứu về giải pháp chống ngập cho TP nhưng do không được tổng hợp thành bộ dữ chung cho TP nên cũng gây lãng phí nguồn lực này.
Hội thảo có tám báo cáo tham luận nhưng chỉ diễn ra trong một buổi. Một số nhà khoa học cho biết, do hội thảo diễn ra quá nhanh nên phần tranh luận hơi ít.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết sẽ mời các nhà khoa học có tâm huyết đến trung tâm để nghe trình bày cụ thể hơn các phương án chống ngập, đã, đang và sẽ thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm