Chống người thi hành công vụ: Hà Nội xảy ra nhiều nhất

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018.

Theo đó, Chính phủ cho biết tính từ ngày 16-9-2016 đến 15-8-2017, xảy ra 48 vụ chống người thi hành công vụ, làm hai cán bộ hy sinh và ba cán bộ bị thương. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với 21 vụ, tiếp đến là Tiền Giang, Phú Thọ, mỗi địa phương xảy ra ba vụ...

Nhiều vụ chống người thi hành công vụ thời gian qua. Ảnh: Internet

Cũng trong báo cáo này, Chính phủ cho biết từ ngày 16-9-2016 đến 15-9-2017, cả nước xảy ra 20.078 vụ tai nạn, làm chết 8.230 người, bị thương 16.981 người.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông phần lớn do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường. Tiếp đến là do tài xế vi phạm tốc độ, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia...

Đáng chú ý, tỉ lệ nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em chiếm 6,81% tổng số nạn nhân. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ tai nạn giao thông do trẻ em gây ra và nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em cao hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân của thế giới và khu vực và đang có xu hướng tăng.

Liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, Chính phủ cho rằng mặc dù đã có nhiều giải pháp để chống ùn tắc giao thông, tuy nhiên tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác vận hành tại một số dự án BOT trên quốc lộ còn chưa hợp lý dẫn đến một bộ phận tài xế phản ứng tiêu cực, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí, gây tâm lý lo ngại, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Để xảy ra các nguyên nhân trên, do chưa có quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Thiếu chế tài xử phạt lũy tiến với hành vi tái phạm, xử phạt bằng lao động công ích...

Để khắc phục hạn chế trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc để sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quy hoạch...

Các ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát và tổ chức chất vấn theo chuyên đề đối với các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 

Tình trạng nạo vét cát vẫn diễn ra phức tạp

Theo Chính phủ, thời gian qua đã ngừng cấp giấy phép mới và đình chỉ toàn bộ hoạt động của các dự án xã hội hóa bảo trì, nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu vật liệu trên các tuyến sông do Bộ quản lý.

Tuy nhiên, tình hình khai thác cát tại các mỏ vật liệu có phép và khai thác trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương (Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang…) gây mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế-xã hội địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm