Chống rò rỉ để hạ tiền nước

Ngày 8-8, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Méo mặt vì tiền nước”, phản ánh tình trạng nhiều hộ dân ở TP.HCM bất ngờ nhận hóa đơn tiền nước với số tiền tăng gấp hàng chục lần so với tháng trước đó. Có hộ phải đóng gần 22,5 triệu đồng trong khi 10 kỳ liên tục trước đó, nhà này đóng tiền nước cao nhất chỉ 235.000 đồng, ít nhất là 150.000 đồng. Nhiều bạn đọc đã chia sẻ cách sử dụng tiết kiệm nước để khỏi phải lo lắng về chi phí này nữa.

Tốn kém là do rò rỉ nước

Là người nắm giữ tài chính gia đình, tôi mới thấy được tầm quan trọng của chuyện tiết kiệm tiền nước. Trước khi xây nhà, tiền nước hằng tháng của gia đình tôi khoảng 400.000 đồng. Sau khi xây nhà, cũng số lượng người như trước đây nhưng tiền nước mỗi tháng tăng lên gần 1 triệu đồng trong khi đồng hồ nước vẫn là đồng hồ cũ đã được công ty cấp nước lắp đặt từ lâu.

Quyết tâm tìm ra lý do tốn kém tăng đột xuất, tôi bỏ công kiểm tra lại các đường ống dẫn và các vòi nước. Sau đó, tôi phát hiện vòi nước dẫn vào máy giặt là điểm thường xuyên rỉ nước dù lúc máy không hoạt động và vòi tưới cây cảnh trên sân thượng cũng bị xì nước ngầm. Tôi bỏ ra một chút chi phí để khắc phục các chỗ gây thất thoát này và kết quả là tiền nước tháng liền kề trở về mức 400.000 đồng như trước đây.

Lê Kim Anh, 325/38F Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP.HCM

Chống rò rỉ để hạ tiền nước ảnh 1

Sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt sẽ giảm đáng kể ngân sách gia đình. Ảnh: HTD

Phải có ý thức tiết kiệm

Chống rò rỉ để hạ tiền nước ảnh 2
Nghe người bạn than bị công ty cấp nước đưa hóa đơn tính tiền tới mấy triệu đồng mà không rõ lý do, tôi khuyên anh nên kiểm tra lại hệ thống ống nước, vòi sen… Sau đó anh cho biết đã tìm ra và sửa chỗ bể của ống nước chìm dưới nền nên tiền nước hằng tháng đã giảm về như thời gian cũ.

Tôi chợt nhớ trước đây khi công tác tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), mọi người được căn dặn luôn phải tiết kiệm nước vì đây là một huyện nằm sát biển, tình trạng khan hiếm nước ngọt vào thời gian ấy rất căng. Hằng ngày chúng tôi, mỗi người phải chia nhau một can 5 lít nước dùng để rửa mặt, tắm lại sau khi tắm nước mặn. Giờ đây tình trạng khó khăn này không còn nữa nhưng ý thức về chuyện không để lãng phí nước vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của bản thân. Tôi thường khóa chặt các van xả nước ở các điểm vui chơi công cộng như nhà văn hóa, bệnh viện, cơ quan nhà nước… mỗi khi có người vô ý để nước rò rỉ. Trong gia đình, tôi thường nhắc nhở các thành viên nên chú ý đừng để thất thoát nước. Vì vậy tiền nước cho tám người trong nhà hằng tháng chỉ dao động từ 400.000 đến 500.000 đồng.

Dương Hữu Minh, 125 chung cư Gò Dầu, quận Tân Phú, TP.HCM

Tận dụng nước thải để tưới cây…

Chống rò rỉ để hạ tiền nước ảnh 3
Hơn nửa năm trước, nhà tôi xài chung đường ống nước với gần 30 hộ dân ở đây nên phải chấp nhận thêm chi phí hao hụt nước, riêng nhà tôi phải trả trên 300.000 đồng tiền nước mỗi tháng. Nay các hộ dân đã tách đường ống ra và đều có đồng hồ nước riêng. Nhà tôi tháng vừa rồi chỉ đóng hơn 150.000 đồng tiền nước. Tôi nghĩ việc bắt đồng hồ nước trong nhà rất tiện lợi giúp việc theo dõi lượng nước dễ dàng và cân đối lượng nước xài mỗi tháng. Khi xả nước, nên vặn vừa phải để tránh thất thoát. Không rửa chén, rau, thức ăn dưới vòi nước chảy mà nên dùng thau. Nhà tôi còn tận dụng nước rửa rau lần cuối để tưới cây, rửa chén lần đầu.

Nguyễn Thị Hoài Quyên, 21/7 khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương

Đừng xài thoải mái

Nhiều lúc nhận hóa đơn tiền nước tôi lại nổi cáu với một số thành viên trong gia đình. Tôi bảo tiền nước cao ngất nhưng nhắc tiết kiệm thì không ai nghe. Trong nhà tôi nhiều người xài nước quá hoang phí. Mỗi lần tắm thì trút nước ào ào trong khi với phần nước đó tôi có thể tắm được ba lần. Còn giặt giũ thì khỏi phải nói, xả đồ ngay trên vòi nước chứ chẳng cần thau xô gì cả. Xài vậy bảo không hao nước, không trả nhiều tiền thì gọi là gì? Tới đây, tôi phải làm biện pháp mạnh, thấy ai xài hoang thì nhất quyết không nhân nhượng nữa, phải rầy la tới chốn.

LÊ MẠNH HẢI (manhhai_le1@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm