TAND TP.HCM vừa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận 9 phạt Đoái Phước Thiện (SN 1984) 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích để điều tra, xét xử lại. HĐXX nhận định vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt bị cáo có dấu hiệu phạm tội khác nặng hơn tội danh đã truy tố.
Từ chuyện nhỏ dẫn đến hậu quả đau lòng
Theo hồ sơ, Thiện và chị Nguyễn Thị Nhật My là vợ chồng, ngụ khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9. Tối 10-4-2017, em trai Thiện mượn nhà để mời bạn về uống rượu. Thiện nói cho vợ biết và chị My đồng ý.
Khuya 11-4-2017, nhóm bạn của em trai Thiện ngồi uống rượu ở dưới nhà nói chuyện lớn tiếng thì chị My từ phòng ngủ trên lầu đi ra cầu thang nói đi chỗ khác nhậu nên tất cả bỏ về. Tự ái, Thiện từ dưới nhà đi lên phòng ngủ cãi nhau với chị My. Trong lúc hai bên lớn tiếng, Thiện bất ngờ dùng hai tay đẩy chị My ngã ngửa về phía sau, đầu đập vào vách tường, ngã xuống sàn nhà.
Sau đó, Thiện thấy chị My ôm gối nằm ngủ nên lấy máy tính bảng ra xem phim. Đến 2 giờ sáng cùng ngày, Thiện quay sang nhìn, thấy chị My nằm bất động, toàn thân tím tái nên đưa chị tới BV Quân dân Miền Đông cấp cứu nhưng chị đã chết trước khi nhập viện.
Bị cáo Thiện bị dẫn giải về trại sau phiên xử phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Giám định tới đâu, bị cáo khai tới đó
Theo kết luận giám định pháp y, nạn nhân chết do chấn thương sọ não vì đầu va đập vào vật tày nhiều lần, gây đa chấn thương phần mềm. Từ đó Thiện bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù).
Sau khi VKSND quận 9 chuyển hồ sơ, TAND quận này trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về toàn bộ quá trình Thiện đánh đập, hành hung nạn nhân vào đêm xảy ra sự việc. Tòa cũng yêu cầu giám định viên giải thích về các vết thương của nạn nhân, giải thích vật tày trong kết luận nguyên nhân chết của pháp y là vật gì. Ngoài ra, theo tòa cần làm rõ thời điểm Thiện biết nạn nhân chết, thời điểm Thiện hô hoán hàng xóm đến giúp, thời điểm Thiện đưa nạn nhân đến bệnh viện…
Sau đó, trung tâm pháp y giải thích cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân như sau: Thái dương bên phải của nạn nhân khi ngã nghiêng đơn thuần như trình bày trong các biên bản mà CQĐT cung cấp không thể gây ra tình trạng xuất huyết dưới nhện lan tỏa hai bán cầu đại não và tiểu não như mô tả trong bản ảnh và bản kết luận giám định pháp y về tử thi của nạn nhân. Đồng thời, các thương tích bên ngoài vùng đầu nạn nhân ở nhiều vị trí khác nhau là do tác động nhiều lần vào vật tày, không thể do ngã va đập một lần gây ra như lời khai của Thiện. Tất cả thương tích bầm tụ máu, xây xát da trên người nạn nhân là do vật tày tác động vào cơ thể hoặc ngược lại; vật tày là những vật có bề mặt tròn hoặc tù (tức không sắc, không nhọn, không có cạnh sắc) như mặt bàn, tường, mặt đường…
Với giải thích này, VKSND quận vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu.
Còn Thiện thì khai lại toàn bộ nội dung vụ án giống như cáo trạng. Thiện không thừa nhận đã đánh vợ nhiều cái, khai không có ý muốn tước đoạt sinh mạng vợ. Nhưng Thiện không giải thích được tại sao ban đầu không khai báo gì về việc có hành vi hành hung vợ, sau khi khám nghiệm tử thi mới thừa nhận xô vợ đập đầu vào tường làm vợ chết sau đó. Suốt quá trình điều tra sau đó, Thiện không khai gì về việc khi đưa nạn nhân từ trên lầu xuống thì đầu của nạn nhân bị va đập vào cạnh cửa, vào tường cầu thang. Nhưng sau khi trung tâm pháp y có văn bản giải thích cơ chế hình thành vết thương của nạn nhân thì Thiện lại khai như trên cho phù hợp…
Cố ý gây thương tích hay giết người?
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận 9 cuối năm 2017, đại diện VKSND quận đề nghị phạt Thiện từ năm năm sáu tháng tù đến sáu năm sáu tháng tù.
Theo TAND quận 9, lời khai của Thiện tại phiên xử về diễn biến vụ án có phần phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ. Mặt khác, căn cứ vào lời khai của người thân nạn nhân, những người tham gia nhậu tối đó tại nhà Thiện về diễn biến của sự việc trước và sau khi nạn nhân chết thì không có căn cứ kết luận Thiện có ý muốn tước đoạt sinh mệnh của vợ. Vì vậy, việc truy tố của VKS là đúng người, đúng tội.
Theo tòa, hành vi phạm tội của Thiện có tính chất côn đồ. Tại CQĐT và tại phiên xử, Thiện chưa thành khẩn khai báo, thể hiện việc chưa hoàn toàn ăn năn hối cải về tội phạm do mình gây ra, có ý muốn đối phó, né tránh một phần sự trừng trị của pháp luật. Thiện cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, không có hai tình tiết giảm nhẹ quy định ở khoản 2 Điều 46 BLHS nhưng lại có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tính chất côn đồ nên phải bị xử phạt ở mức cao trong khung hình phạt. Vì vậy, đề nghị của VKS là chưa phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo.
Cuối cùng tòa phạt Thiện 12 năm tù. Sau đó Thiện kháng cáo xin giảm án, VKSND quận cũng kháng nghị theo hướng này.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, ban đầu đại diện VKSND TP giữ nguyên quan điểm kháng nghị của VKSND quận nhưng sau phần xét hỏi thì đề nghị giữ nguyên mức hình phạt tòa sơ thẩm đã tuyên vì phù hợp.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm có nhận định khác. Theo tòa, lời khai của bị cáo và các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được đối chất. Các lời khai này cũng mâu thuẫn với kết quả giám định pháp y. Cụ thể, theo kết luận giám định pháp y, nạn nhân bị vật tày tác động nhiều lần dẫn đến chấn thương sọ não, tử vong nên việc Thiện khai chỉ xô ngã nạn nhân một lần là không có cơ sở. Tại phiên xử, Thiện còn khai thêm là có tát nạn nhân… Đáng chú ý, nếu theo kết luận của giám định pháp y thì Thiện có dấu hiệu phạm tội khác nặng hơn tội danh đã truy tố. Ngoài ra, thời điểm chết của nạn nhân cũng chưa được làm rõ…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Phân biệt hai tội Trao đổi về tội danh, luật sư Phạm Công Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho biết thực tế ranh giới phân biệt giữa hai tội giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là khá mong manh, thường tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm giải quyết khác nhau. Theo luật sư Hùng, qua thực tiễn, việc phân biệt dựa chủ yếu vào hai yếu tố lỗi chủ quan và hành vi khách quan. Thứ nhất, về lỗi chủ quan thì phải xác định ý chí của bị cáo khi thực hiện hành vi nhằm mục đích gì, đánh cho chết, tước đoạt sinh mạng nạn nhân hay chỉ muốn đánh cho bị thương. Thứ hai, phải soi chiếu với hành vi khách quan của bị cáo xem có phù hợp với ý chí hay không. Ví dụ: Bị cáo dùng dao đâm thẳng một nhát vào tim nạn nhân, vào chỗ hiểm mà ai cũng ý thức được là sẽ dẫn đến chết người thì không thể xử tội cố ý gây thương tích... |