'Chợt thèm rau đắng nấu canh...'

Rau đắng là loại rau dân dã nhất, mọc trộm sau hè nhà, mọc gần ảng nước, bờ ao, chỗ nào lúp xúp nước thì có rau đắng, chỗ nào người không để ý tới là rau đắng mọc, lầm lụi, xanh mướt, rồi có đận ra hoa lún phún xanh xanh trắng trắng bé tí thấy thương, rau đắng như cỏ dại tìm bến nước mà đậu nên chi mới có câu hát ”Còn thương rau đắng mọc sau hè.”
Điệu hát tới lui tả cái tình chị em ruột thịt sau những bon chen rong ruỗi và tóc đã chớm bạc thì chỉ muốn được về bên nhau trong ngôi nhà xưa với món thèm duy nhất là rau đắng nấu canh; món rau đắng sau hè nhà mà quơ tay là hái được... mà thèm ơi.

Rau đắng giữa chợ, loại rau rẻ mua một mớ chỉ 10 ngàn  

Mỗi người mang một ký ức nhớ riêng chẳng ai giống ai, người bạn đồng hành cùng tôi không thấy rau đắng thì thôi, gặp rổ rau đắng đầu ngõ chợ là mua kỳ hết. Nhiều bữa rau đắng chật ngăn rau tủ lạnh chỉ vì anh mua trọn rổ rau buổi sáng. Bởi rau đắng với anh là ký ức, là quê hương thời hái lượm, thời tuổi thơ nhọc nhằn mà khó có thể quên.
Rau đắng nấu canh tôm đất, rau đắng trộn với thân nõn chuối xắt là nên món rau sống nhà nghèo. Còn nữa, rau đắng làm món nộm trộn tôm thịt đậu phộng thì thành món đặc sản vùng miền khó quên.
Thú vị của rau đắng là nấu chín ăn cũng ngon, mà ăn sống thì lại càng ngon. Món gì ăn kèm với rau đắng cũng được. Nhúng rau đắng ăn trong món lẫu, là món rau sống trong bánh xèo, món rau đắng trộn thân nõn chuối ăn kèm trong món canh khoai mỡ cũng là món gây thương nhớ bao người.
Món gỏi trộn rau đắng thật dễ làm. Rau rửa sạch, để ráo, lột ít tôm nõn ướp nước mắm, hành tím, tiêu, um với dầu cho thơm, đậu phộng rang vàng, bóc vỏ, giã dập. Đậu phộng giã dập cũng thơm không kém!

Chỉ cần đảo đảo đôi đũa trên thố rau là đã có món nộm rau đắng đặc sản mà không phải vùng nào cũng có

Làm chén nước mắm chua ngọt có ớt đỏ tỏi trắng nổi lăn tăn, vắt chanh nhiều nhiều xí. Thứ nước mắm mà nhìn là rẻo nước miếng bởi có mùi thơm của chanh vườn vắt kỹ, màu đỏ au của nước mắm ngon nhà làm, màu đỏ thắm của ớt hiểm xen lẫn màu trắng tinh của miếng tỏi Lý Sơn có mùi thơm không gắt. Chừng đó thứ, đơn giản, vậy mà cộng hưởng nhau cho mùi thơm nức mũi trước lúc ăn.
Cho rau vào một cái thố. Đổ tôm đã um, rưới hai, ba muỗng nước mắm, rồi đậu phộng lên trên. Vậy là chỉ cần đảo đảo đôi đũa trên thố rau là đã có món nộm rau đắng đặc sản mà không phải vùng nào cũng có.
Rau đắng mà không đắng là vậy. Rau đắng làm nền cho câu hát nhớ thương mà mỗi lần nghe tôi lại da diết nhớ... "Chợt thèm rau đắng nấu canh". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm