Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand) cho biết, trong 77 dự án thế chấp ngân hàng, nhiều báo có nêu thông tin dự án Khu dân cư City Land của công ty thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thủ Đức từ ngày 21-11-2015.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Tổng giám đốc City Land, thông tin trên không hề nói địa điểm nào, dự án nào của City Land đang thế chấp ngân hàng. Chưa nói đến tính sai lệch của thông tin, việc công bố chung chung “Dự án khu dân cư City Land của công ty Đầu tư địa ốc TP.HCM” đã gây tâm lý hoang mang và lo lắng cho khách hàng tại các dự án đang triển khai của công ty. Thứ hai, một số trang báo đăng tải thời gian không rõ ràng 21-11-2015 lại ghi sai 21-1-2015 gây nhầm lẫn trong việc xác định thời gian thế chấp.
Dựa trên thông tin báo chí công bố, City Land xác định dự án bị nêu danh đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thủ Đức từ ngày 21-11-2015 là thuộc dự án City Land Garden Hills thuộc phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM. Tuy nhiên trên thực tế City Land không thế chấp dự án khu dân cư được hiểu toàn bộ dự án như báo chí đưa tin, mà thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Cụ thể là công trình xây dựng liên cấp và trường mầm non thuộc Khu dân cư City Land Garden Hills, p.5, q. Gò Vấp.
Bên cạnh đó, Công văn của Sở TN&MT TP.HCM cũng chỉ ra rất rõ ràng, địa điểm dự án thế chấp nhưng một số báo đài đã có sự trích dẫn không đầy đủ thông tin. Vì vậy, công ty thông báo đính chính thông tin tránh gây nhầm lẫn với độc giả, làm ảnh hưởng hình ảnh, uy tín và thương hiệu City Land.
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát cũng cho biết trong 77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng, có nêu công ty có thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn.
Cần cung cấp rõ thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng tránh gây hiểu lầm cho người mua nhà và ảnh hưởng uy tín công ty BĐS (Ảnh minh họa)
Theo đại diện công ty Hưng Lộc Phát, thông tin này có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai. Cụ thể, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067 của Sở TN&MT TP.HCM đều là những căn hộ được Công ty Hưng Lộc Phát giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào.
Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của Công ty Hưng Lộc Phát. Do vậy, Hưng Lộc Phát có thể thế chấp phần tài sản này cho Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát.
Nói rõ thêm, đại diện công ty cho hay Cao ốc Hưng Phát gồm 358 căn hộ được xây dựng tại số 928 Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Dự án đã hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2014. Và vào ngày 13-3-2016, trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty Hưng Lộc Phát, công ty đã tiến hành bàn giao giấy tờ chủ quyền cho những khách hàng đã mua căn hộ Hưng Phát.
Liên quan đến việc công bố 77 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng tại TP.HCM, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trườngBĐS ngày càng minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc công bố thông tin trên sẽ tác động tức thì đến thị trường BĐS làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.
Theo HoREA, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc DN thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh DN cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.
Hiệp hội đề nghị Sở TN&MT TP.HCM khi công bố các dự án BĐS, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.
Hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.