Thời gian qua nguồn cung phân khúc cao cấp dường như “áp đảo” phân khúc bình dân dành cho người thu nhập trung bình và thấp - Ảnh: PHƯƠNG NGA
“Ngóng” nhà giá rẻ
Như nhận định của nhiều chuyên gia, sự lo ngại về lệch pha nguồn cung là thực tế đang diễn ra trên thị trường hiện nay. Quả thực, thời gian qua, chúng ta chỉ thấy những dự án “tầm cỡ” bung hàng với hàng loạt chính sách bán hàng và khuyến mãi hấp dẫn.
Thị trường địa ốc TP.HCM, chứng kiến sự chào hàng của các dự án như Elite Park (Q.Bình Thạnh) của Công ty CP Xuất khẩu Tổng hợp miền Nam, Diamond Lotus Riverside (Q.8) và Diamond Lotus Lake View (Q.Tân Phú) của Phúc Khang Corp, Richmond City (Q.Bình Thạnh) và chung cư Moonlight Garden - khu dân cư Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức) của Hưng Thịnh Corp, Park Reveside của M.I.K Corp, Riverpark Premier (Q.7) của Phú Mỹ Hưng,Vinhomes Golden River - Tập đoàn Vingroup, The One của Bitexco…
Tại thị trường Hà Nội, thời gian gần đây hàng loạt dự án cao cấp cũng được quảng bá rầm rộ như Vinhomes Thăng Long, Thanh Xuân Tower, Aqua Central…
Ghi nhận tại sự kiện mở bán dự án của một số công ty, nhiều khách hàng tìm chốn an cư đã chia sẻ nỗi lòng: “Lại dự án cao cấp, nhà cho người thu nhập thấp không thấy đâu” hay “Giá cao quá, không mua nổi” hoặc muôn hình kiểu bày tỏ như “Biết chừng nào mới mua được nhà đây!”, “Làm gì tới suất mà trông ngóng”, “Giá nhà thì đắt đỏ còn thu nhập không được cải thiện là bao”, “Muốn mua mà không có khả năng mua”…
Quả thực, thực tế thị trường đã chứng minh: gười có nhu cầu mà không có khả năng mua nhà hiện nay là rất lớn.
Theo nhìn nhận từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Theo hiệp hội, thách thức lớn nhất hiện nay là nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhất là loại 1 - 2 phòng ngủ cho thuê hoặc bán với giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn đang rất lớn trong khi nguồn cung có hạn.
Không thiếu nguồn cung
Trước luồng thông tin ghi nhận thời gian qua, nguồn cung phân khúc cao cấp dường như “áp đảo” phân khúc bình dân dành cho người thu nhập trung bình và thấp. Đặc biệt, dường như vắng bóng các doanh nghiệp (DN) khởi công các dự án kiểu này.
Ông Phạm Lâm, tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA), cho rằng: Rất nhiều DN bất động sản vẫn triển khai các dự án bình dân đáp ứng nhu cầu số đông, chỉ là họ không truyền thông rầm rộ như các dự án cao cấp nên vô hình chung chúng ta thấy nổi lên thông tin đa số về căn hộ cao cấp, dự án “tầm cỡ” thời gian qua.
Người có nhu cầu mà không có khả năng mua nhà hiện nay là rất lớn - Ảnh: PHƯƠNG NGA
Theo ông Lâm, các DN triển khai phân khúc trung bình thường chi phí truyền thông của họ sẽ ít hơn so với các DN lớn. Theo đó, thông tin về dự án của họ cũng sẽ ít xuất hiện hơn. Trong khi thực tế thị trường thì nguồn cung phân khúc bình dân vẫn rất nhiều.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP đã báo cáo trong văn bản, năm 2015 các DN khởi công 5 dự án nhà ở xã hội mới, trong đó hoàn thành 4 dự án với quy mô 3.131 căn hộ, UBND TP cũng đã công nhận 6 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Trong quý 1-2016, TP đang xem xét thêm 2 dự án. Về nhà ở tái định cư, các DN đang tham gia 8 dự án. Riêng đối với chương trình 12.500 căn hộ tái định cư, các DN đã bàn giao được 2.076 căn.
Riêng về phân khúc nhà ở thương mại loại 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền trong nhiều năm qua vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo hiệp hội, hiện nay xét toàn diện cung không đủ cầu.
Vừa qua, thị trường bất động sản cũng đã chứng kiến sự xuất hiện dự án 125 căn hộ mini 19m2 (Q.Bình Tân, TP.HCM) của một DN bất động sản cho thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng (đặt cọc 1 tháng tiền thuê nhà) đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Theo thông tin tiết lộ của DN này, trong năm nay sẽ có thêm 2.035 căn hộ mini cho thuê thuộc 2 dự án cũng tại quận Bình Tân.