Khách hàng... ngẩn ngơ
Không chỉ cư dân ở hai dự án trên bất an, thời gian gần đây, nhiều cư dân mua căn hộ ở các dự án khác cũng bắt đầu bấn loạn.
Mới đây, nhiều người dân ở chung cư Ruby Land, quận Tân Phú, TP.HCM tá hỏa khi bỗng dưng phát hiện ra căn hộ của mình dù đã thanh toán 90% cũng bị chủ đầu tư mang đi “cầm cố”. Một câu hỏi được đặt ra là, hiện ở TP.HCM có bao nhiêu dự án đang bị chủ đầu tư “chơi” chiêu đó?
Thật không dễ để có một con số chính thức, nhưng theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, hiện số dự án bị các chủ đầu tư “cầm cả chì lẫn chài” là không hề nhỏ.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP.HCM và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) diễn ra hôm 6/6/2016, bức xúc trước tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM và các ban ngành liên quan cần rà soát và thanh tra các dự án bất động sản từ năm 2007 đến 2010 để trả lại sự minh bạch cho thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, câu chuyện Dự án Harmona và những dự án tương tự trong thời gian qua là hệ quả của một thời gian dài nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản.
Điều đáng nói là tính chuyên nghiệp và năng lực của nhà đầu tư chưa cao, thậm chí có nhiều trường hợp, cả hai yếu tố đó hầu như không có. Trong khi đó, người có nhu cầu ở lại cao, nhưng chưa nắm rõ về pháp lý khi ký kết mua nhà hay căn hộ nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Sức mua cao, rủi ro nhiều
Theo số liệu thống kê của HoREA, trong quý I/2016, thị trường bất động sản ở TP.HCM đã bán được khoảng 9.000 căn trong tổng số khoảng 57.000 căn dự kiến chào bán trong năm 2016.
Tuy có dấu hiệu chững lại so với quý IV/2015, nhưng phân khúc nhà ở thương mại loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền, trên dưới một tỷ đồng/căn hộ, bán rất chạy.
Trong nhiều năm qua, đây vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng và hiện nay cung không đủ cầu.
Có thể thấy, nhu cầu của thị trường nói chung và ở phân khúc này nói riêng trong dài hạn vẫn tiếp tục nóng. Song, theo ý kiến của một số luật sư, phân khúc ấy chính là một trong những nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là về mặt pháp lý, bởi có khá nhiều chủ đầu tư thiếu cả năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm tham gia vào thị trường này theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Đứng ở vị trí khách hàng, do tâm lý muốn được sở hữu căn hộ bằng mọi giá, nên nhiều khi thấy giá cả hợp lý, phương thức thanh toán chấp nhận được là mua ngay chứ không quan tâm đến những yếu tố sống còn khác.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Quang Minh cho rằng, trên thị trường bất động sản có nhiều công ty kinh doanh theo kiểu bán hàng đa cấp. Sở dĩ nói như vậy là vì có không ít công ty đưa ra mức cam kết lợi nhuận theo từng năm khiến cho người mua hám lợi nên nhảy vào.
Vẫn theo ông Dương, hợp đồng cho vay hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ nên mới phát sinh những chuyện “động trời” như vậy. Còn nếu các cơ quan quản lý cứ kiểm soát gắt gao như hợp đồng bán và hợp đồng góp vốn thì sẽ “siết” lại được.
Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về địa chỉ email: batdongsanplo@gmail.com hoặc hotline: 0996 166177. |