Sau hơn 4 tháng “cửa đóng then cài”, đến nay, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống mừng rỡ vì Sở Công thương TP.HCM đã có công văn gửi UBND TP đề xuất cho phép các cơ sở này được tổ chức hoạt động bình thường, bao gồm cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.
Điều kiện để các cơ sở này hoạt động là đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.
Các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21 giờ, với công suất phục vụ tối đa 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.
Nhà hàng Susiworld (quận 1) duy trì việc bán qua app từ ngày 1-10. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bên cạnh niềm vui sắp được bán hàng trở lại thì vẫn còn đó những lo ngại trong đề xuất này, anh Lâm Quang Triết, quản lý chi nhánh hệ thống nhà hàng Susiworld (quận 1) chia sẻ:
“Nghe thông tin báo chí, nhà hàng quán ăn sẽ chuẩn bị mở bán tại chỗ trở lại nên tôi rất mong chờ thông tin chính thức chuẩn bị lực lượng, nhân sự và tất cả mọi thứ để mở cửa bán trở lại. Tuy nhiên, tôi có một số thắc mắc liên quan đến chỉ thị này, đó là khi nhà hàng mở bán trở lại, đối tượng khách hàng là gia đình sẽ đến đông trong khi chỉ thị yêu cầu mỗi bàn cho phép không quá hai người. Việc này khiến chúng tôi khó xử và chưa biết sẽ giải quyết như thế nào?”
Nhà hàng, quán ăn chờ cơ chế cởi mở khi khôi phục bán tại chỗ. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo anh Triết quan sát từ nhiều quốc gia trên thế giới khi mở lại dịch vụ ăn uống hậu dịch COVID -19, họ đang áp dụng phương án quét mã bắt buộc khi khách đến nhà hàng. Sau khi quét mã, thông tin của họ cũng như tình trạng sức khỏe, tiêm vaccine…đều được thể hiện rõ trên hệ thống máy tính. Nhà hàng sẽ dựa vào kết quả đó để cho khách vào. “Đó là cách sàng lọc rồi, không cần phải giới hạn cho khách khi đến nhà hàng chỉ có hai người”- anh Triết nói.
Ngoài ra, với thiết kế của nhà hàng là phòng kín, nếu hoạt động đón khách nhưng không cho mở máy lạnh sẽ khiến không gian vô cùng khó chịu.
Trước đề xuất không được phục vụ bia, rượu trong quán ăn, anh Triết thắc mắc: “Vậy chúng tôi sẽ xử lý thế nào với những khách hàng mang bia, rượu từ ngoài vào?”. Vấn đề này thực sự khiến những người làm dịch vụ phục vụ ăn uống phải đau đầu.
Với hơn 100 nhân viên làm việc tại hệ thống, thời gian tới, nhà hàng của anh Triết sẽ tận dụng bán mang về nhiều hơn. Để làm tốt việc này, nhà hàng sẽ bổ sung thêm một số món ăn mới để phù hợp với việc cho khách mang về.
Ưu tiên khách hàng được sử dụng sản phẩm chất lượng nhất đồng thời vẫn giải quyết nguồn nhân lực, Ban Giám đốc áp dụng phương án cho nhân viên trực tiếp đi ship hàng, bởi nhân viên là người hiểu về sản phẩm nhất. Họ sẽ biết làm thế nào để sản phẩm của mình được bảo quản đúng cách trong quá trình di chuyển.
Có chung nỗi lo với anh Triết, chủ chuỗi cửa hàng coffee Vinaly (phường 7, quận Tân Bình), anh Tôn Can Phát cho biết: “Đề xuất của sở Công thương khiến chúng tôi gặp hai vướng mắc. Vướng mắc thứ nhất nguồn tài chính bị giảm khi thực hiện giãn cách. Hơn nữa, nếu gia đình đi 3-4 người sẽ không được phục vụ khi quy định chỉ cho phép hai người ngồi 1 bàn. Việc này sẽ rất khó cho việc kinh doanh”.
“Tôi cũng mong muốn các nhà chính sách có phương án nào đó phù hợp hơn để quán của chúng tôi dễ ràng đi vào hoạt động, sớm trở về bình thường mới”, anh Phát nói thêm.
Anh Tôn Can Phát (chủ chuỗi cửa hàng coffee Vinaly phường 7, quận Tân Bình) mong muốn thành phố có những cơ chế phù hợp hơn để thuận lợi cho việc mở bán tại chỗ. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bên cạnh những chủ quán còn lăn tăn trước cơ chế chính sách thì ông Trần Hoài Phương, CEO hệ thống nhà hàng Thiên Hồng Phát (quận Tân Bình), cho biết nhà hàng cố gắng tìm lối đi riêng cho mình.
Thiên Hồng Phát có tổng gần 100 nhân sự tại 3 cơ sở trên cả nước. "Đứng trước tình huống này, ban giám đốc nhà hàng đã chuyển hướng kinh doanh cơm văn phòng. Mô hình này chúng tôi lên kế hoạch từ đầu năm 2021"- Ông Hoài Phương cho biết.
Nhà hàng Thiên Hồng Phát (quận Tân Bình) quyết định mở bán cơm văn phòng mang đi để thích nghi với tình hình hiện tại. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông Phương cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ bán online là chính chứ không bán trực tiếp. Bên cạnh đó nhà hàng cũng xây dựng đề án kinh doanh an toàn. Quy trình đón tiếp khách với đầy đủ các khâu như kiểm tra thẻ xanh vaccine, khử khuẩn, đo thân nhiệt, test COVID-19 nhanh. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chúng tôi chỉ chờ đợi tin vui từ thành phố để mở cửa."
Chia sẻ về hướng phát triển hậu dịch COVID-19, ông Phương nói: “Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến vẫn còn rất phức tạp, theo tôi, mỗi doanh nghiệp cần có một phương án để cùng Bộ Y tế và các ban ngành phục hồi kinh tế. Mỗi đơn vị phải cố gắng thích ứng linh hoạt”.