Chủ nhà nghỉ và người quay clip '9 thiếu niên' đều vi phạm pháp luật

Như đã đưa tin, ngày 16-3, trên các trang mạng xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm thiếu niên hai nam, bảy nữ đứng ngồi co cụm trên giường và góc phòng nhà nghỉ.

Trong clip, một người đàn ông liên tục quát mắng, chửi bới và yêu cầu nhóm thiếu niên này ngẩng mặt lên để quay.

Ngay khi đoạn clip và các hình ảnh xuất hiện, rất nhiều ý kiến nghi ngờ nhóm thiếu niên này thuê nhà nghỉ để sinh hoạt tập thể hoặc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai cho biết không hề có chuyện như trên, nhóm thiếu niên chỉ rủ nhau đi chơi rồi thuê phòng nghỉ.

Sau khi xác định các thiếu niên này không có vi phạm gì, cơ quan công an đã yêu cầu gia đình đưa về để quản lý, giáo dục; đồng thời triệu tập người quay và phát tán clip lên trụ sở để làm rõ.

Chủ nhà nghỉ cho hay tất cả thiếu niên không có CMND tùy thân, nhưng vì... thương tình nên đã cho thuê phòng qua đêm.

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của cả chủ nhà nghỉ và người quay clip rồi phát tán lên mạng Internet.

Nhóm chín thiếu niên bị phát hiện trong nhà nghỉ (ảnh cắt từ clip).

PV: Việc quay clip, dùng lời mạt sát các thiếu niên rồi tung lên mạng như vậy có vi phạm pháp luật? Nếu vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam thì quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người đó. Trong trường hợp cá nhân đó dưới 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Như vậy, trong trường hợp người quay clip nêu trên rồi tung lên mạng mà chưa được sự cho phép của các cá nhân hoặc người giám hộ hợp pháp của các cá nhân (đối với trường hợp các em chưa đủ 15 tuổi) là vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền của các em đối với hình ảnh cá nhân của mình.

Để xử lý đối với hành vi vi phạm này, các cơ quan chức năng cần phải triệu tập người quay clip đến làm việc để làm rõ động cơ, mục đích của việc quay clip và phát tán lên mạng. Trong trường hợp xác định việc quay clip nhằm mục đích làm nhục người khác, xâm phạm danh dự, uy tín của người khác hoặc đưa thông tin lên mạng trái phép mà gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc tội đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, các cá nhân bị xâm phạm về hình ảnh, có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của mình theo trình tự tố tụng dân sự.

Trong clip, người quay còn dùng những lời lẽ không đúng mực để quát tháo, xúc phạm các em cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật bảo vệ và buộc mọi người phải tôn trọng.

Trong trường hợp này, hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Theo như thông tin mà chủ nhà nghỉ cung cấp, nhóm thiếu niên này được thuê phòng nghỉ qua đêm mà không cần xuất trình CMND hoặc có người bảo hộ. Việc này vi phạm quy định pháp luật như thế nào?

Hành vi nêu trên của chủ nhà nghỉ đã vi phạm quy định pháp luật về quản lý cư trú và kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đối với hành vi nêu trên, chủ nhà nghỉ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Xin cảm ơn luật sư!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới