Một lần nữa, đề thi môn địa khối C lại gắn liền với thời sự biển, đảo. Câu I yêu cầu thí sinh: “Trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đến an ninh quốc phòng?”. Câu III cũng yêu cầu: “Trình bày việc phát triển nghề cá và du lịch biển ở duyên hải Nam Trung Bộ. Vì sao đánh bắt hải sản xa bờ đang được đẩy mạnh ở vùng này?”.
Giáo dục tinh thần yêu nước
Cô Nguyễn Thị Khánh Vân (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM) đánh giá đề thi môn địa có tính thời sự của đất nước. Câu hỏi lần này không lập lờ như trước đây (chỉ đề cập đến lợi ích kinh tế) mà hỏi thẳng về vấn đề an ninh quốc phòng, khẳng định lập trường về chủ quyền biển, đảo.
Thí sinh tự tin sau giờ thi tại Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: HTD
Thầy Đoàn Nhật Quang (giáo viên dạy địa Trường THPT Tân Phong, TP.HCM) cho rằng đề thi có nêu vấn đề liên quan đến biển, đảo, đây là yêu cầu buộc thí sinh phải tư duy nhiều và kỹ lưỡng mới đạt điểm. Đề nói đến ý nghĩa việc đánh bắt hải sản liên quan đến an ninh quốc phòng có nghĩa là thí sinh phải tập trung chủ đề an ninh quốc phòng, nếu thí sinh làm nghiêng về góc độ kinh tế biển sẽ dễ mất điểm. Hoặc ở ý hai trong câu hỏi số 3, đề nhắc cụ thể đến việc đánh bắt hải sản ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nghĩa là có liên quan đến cả Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu thí sinh chỉ nói chung chung hoặc không ôn tập kỹ về vùng biển đang thời sự này sẽ rất dễ bị thiếu ý khi làm bài.
“Cách ra đề yêu cầu thí sinh không chỉ phải nắm chắc kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa mà còn phải nắm bắt được các chủ trương, chính sách nhà nước liên quan đến các vấn đề thời sự, cần giải quyết trong xã hội. Từ đó, các em sẽ biết gắn kết với thực tiễn, được giáo dục tinh thần yêu nước đúng đắn” - thầy Quang nói.
Vô hiệu hóa “phao thi”
PGS-TS Đặng Văn Toán (giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết cấu trúc đề thi năm nay đã có nhiều sự đổi mới. Đề thi không còn bắt học sinh phải nhớ máy móc các sự kiện, không đi vào phân tích sự kiện mà yêu cầu học sinh nêu tầm vóc sự kiện. Điều này yêu cầu học sinh phải có tính khái quát cao, phải có khả năng tư duy, tổng hợp và phân tích vấn đề. “Đề thi năm nay khác hẳn cách ra đề truyền thống, gần như đã vô hiệu hóa việc sử dụng “phao thi”. Quả thật học sinh mang tài liệu vào cũng khó mà chép được” - thầy Toán cho biết.
Cô Chu Thị Bích Ngà (nguyên tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn) cho rằng đề thi năm nay tương đối khó với thí sinh thi khối C. Học sinh khó có điểm 8-9. Ngoài ra, với cách ra đề ở câu hỏi số 4 về lịch sử thế giới, cô Ngà cho rằng vừa hay về cấu trúc đề vừa hay về nội dung. Người ra đề đã liệt kê những dữ liệu về những biến đổi lớn ở Đông Nam Á, cụ thể là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để học sinh có một cái nhìn khái quát nhất. Đáng nói, ở ý hai của câu này có nhắc đến việc ASEAN cần làm gì để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tuy không nói thẳng nhưng đã tạo được dữ liệu để học sinh liên hệ đến vấn đề biển Đông ở nước ta hiện nay.
“Đây là cách giáo dục các em học sinh thể hiện tình yêu nước đúng đắn. Các em học lịch sử không chỉ biết học thuộc sự kiện mà phải phải liên kết và hiểu được vấn đề của thời cuộc để thấy trách nhiệm của mình cùng với đất nước” - cô Ngà nói.
Môn toán: Mức độ khó tăng Với hai đề toán ở khối B và D năm nay, ThS Nguyễn Duy Hiếu (tổ trưởng Tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho hay ở khối B, môn toán có độ khó và cấu trúc đề ngang khối A. Đề có chín câu hỏi, thí sinh trung bình và khá chỉ làm tập trung ở sáu câu đầu tiên, ba câu cuối dành cho những học sinh chuyên. “Tuy không đánh đố nhưng thí sinh khó nghĩ ra cách giải. Vì vậy, phổ điểm năm nay sẽ chủ yếu ở mức 5, 6 điểm” - thầy Hiếu dự đoán. Riêng với đề toán ở khối D, thầy Hiếu cho biết cấu trúc đề hơi khác, không có câu lượng giác, học sinh ôn tập nhiều phần này dễ bị hẫng. Nhìn chung đề tương đối khó với thí sinh. Nội dung và phân bổ độ khó như với đề khối B. Với đề này, học sinh khó đạt 7-9 điểm. P.ANH ghi Môn tiếng Anh: Giàn khoan Hải Dương 981 vào đề thi Thầy Đoàn Thế Oai (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM) đánh giá: Đề thi tiếng Anh năm nay rất thú vị, cập nhật sát diễn biến thời sự nóng bỏng trên biển Đông. Cụ thể trong bài thi có 2-3 câu đề cập đến sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, trong đó nêu các học giả phương Tây, bạn bè trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Theo thầy Oai, đây là đề thi tiếng Anh nhưng người làm đề đã lồng ghép được tính thời sự, qua đó giáo dục lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đánh giá chung, nội dung không nằm ngoài chương trình, có tính phân hóa cao. Nhìn chung đây là đề thi hơi khó đối với thí sinh trung bình. Theo đó thí sinh khá, giỏi đạt điểm 7, thật giỏi đạt điểm 9, còn điểm 10 rất khó đạt. P.ĐIỀN ghi Môn sinh: Thiên về quy luật sinh học hơn tính toán Cô Nguyễn Thị Kim Quy (giáo viên môn sinh học Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) nhận xét: Phần lý thuyết gồm khoảng 26 câu, trong đó câu khó không nhiều. Tuy nhiên, thí sinh phải nắm chắc kiến thức chi tiết như bản chất quy luật, cơ chế, đặc điểm sinh học thì mới làm bài trọn vẹn. Phần này làm kỹ dễ đạt 5-6 điểm. Phần bài tập, đề thi không thiên về tính toán như những năm trước mà thiên về quy luật sinh học nhiều hơn. Bài tập không có dạng mới, không khó nhưng có nhiều đáp án nên thí sinh mất nhiều thời gian để tính toán, lựa chọn các đáp án đúng nếu không sẽ thiếu. Đây là đề thi thú vị, phù hợp với sự chuyên biệt của môn sinh. Học sinh khá, giỏi nắm chắc kiến thức có thể đạt điểm 10. P.ĐIỀN ghi Chiều 9-7, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo nhanh kết thúc ngày thi đầu tiên, đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Theo đó, cả nước có 98 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 27; cảnh cáo: 2; đình chỉ: 69), số bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi. Ngoài ra, có năm thí sinh đến muộn không được dự thi. |
P.ĐIỀN - P.ANH - H.HÀ
Mời bạn đọc đón xem gợi ý đáp án các môn thi hôm nay (10-7) trên Pháp Luật TP.HCM online (www.plo.vn)