Chủ tịch EVN: ‘Đại biểu Quốc hội đưa ra con số chưa chính xác’

Chiều 22-5, bên hành lang Quốc hội, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định: "Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai), đưa ra con số tăng giá điện chưa chính xác. Tính toán trước và sau tăng giá điện của EVN thì các bậc thang chỉ tăng 8,3-8,4%....”. 

Chủ tịch EVN giải thích với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay.

Ông Thành cho biết các số liệu đại biểu (ĐB) Hà đưa ra không nằm trong biểu giá mà Chính phủ quy định. Giá cơ sở là giá bán điện bình quân mà Chính phủ quy định, nên không phải mức 1.549 đồng như ĐB Hà nêu. “Khi so sánh các bậc với nhau thì phải so sánh cùng một bậc trước và sau khi tăng giá”, ông nói.

Ngay sau khi ĐB Hà phát biểu tại họp tổ sáng nay, ông Thành khẳng định đã yêu cầu cán bộ chuyên môn gặp và giải thích rõ trước khi vào phiên họp toàn thể buổi chiều.

Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội nên rút bậc thang giá điện từ 6 bậc xuống còn 3 bậc, ông Thành cho biết, chiều mai (23-5) Cục Điều tiết điện lực sẽ làm việc với EVN vấn đề này.

“Tôi cũng đang yêu cầu tập hợp lại số liệu về lượng khách hàng dùng điện, tỉ lệ khách hàng cũng như giá trị chi phí khách hàng trả từng bậc thang để cân đối, đưa ra đề xuất cụ thể. Đề xuất thế nào ngành điện sẽ nghiên cứu, tính toán dựa trên cơ sở thực tế”, ông Thành nói.

Theo Chủ tịch EVN, năm 2017, kiểm toán đã vào kiểm toán về giá điện và không có sai phạm. Nay ĐB Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán về giá điện là tốt.

Liên quan đến vấn đề này, sáng nay, phát biểu tại phiên họp tổ, ông Thành cho rằng giá điện tăng do chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng. “20.000 tỉ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỉ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành giải thích.

Hiện EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỉ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chỉ có 23%. Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí.

“Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp. Người dân nói tăng giá ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo đầy đủ…”, ông Thành nói.

+Trước đó, tại họp tổ sáng nay, ĐB Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.

ĐB Hà cho rằng, cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Cần minh bạch giá đúng của 1kWh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kWh điện, phí quản lý từng kWh điện). Từ đó bà đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm