Chủ tịch Hà Nội nói về đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư

Sáng 2-7, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra đề xuất cho TP Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. Theo đề xuất có thể chia sẻ đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Nếu được đồng ý thì mỗi năm TP trước mắt sẽ thu được trên 300 tỉ đồng ngân sách.

Tốt cho người dân, tránh phiền hà

Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Chung cho biết đề xuất này nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Bởi thông tin dữ liệu dân cư này chỉ là thông tin trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, không phải là bí mật đời tư.

Nói về cơ sở pháp lý của đề xuất, ông Chung cho rằng hiện nay việc xây dựng dữ liệu dân cư đã được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì. Theo Luật Phí và lệ phí tới đây thì Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ. “Tôi đề xuất Chính phủ là giao cho các tỉnh, thành xây dựng các giá dịch vụ để các đơn vị (được chia sẻ dữ liệu này) phải trả chứ người dân không phải trả” - ông Chung nói.

Cơ sở dữ liệu dân cư này được tích hợp vào một trung tâm dữ liệu để dùng chung. Các đơn vị như phòng công chứng, ngân hàng có thể truy xuất dữ liệu và trả phí. Người dân khi tham gia các dịch vụ này sẽ không phải đem theo chứng minh nhân dân, giấy tờ liên quan như hiện nay đang làm mà chỉ cần cung cấp mã số cá nhân để các đơn vị này truy xuất trên mạng thì sẽ ra các thông tin cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TP

Ví dụ, một người dân ra phòng công chứng chỉ cần đọc mã cá nhân là nơi đây có thể tra cứu ra thông tin. Thông tin trên mạng dữ liệu dùng chung này chính xác 100%, không làm giả được. Điều này rất tiện lợi cho người dân, đỡ phải làm nhiều thủ tục, đỡ phải mang theo nhiều giấy tờ. “Tại cuộc họp tôi nói vắn tắt nên mọi người chưa hiểu rõ. Các nước họ đã làm như thế rồi, đây là xu hướng và tới đây nước mình cũng phải làm như thế thôi”.

Dữ liệu dân cư là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Tính bảo mật cao

Theo ông Chung, TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong tỉnh, thành cả nước xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu dân cư là những thông tin như trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu gồm khoảng bảy thông số, không phải những thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.

Về việc bảo mật tránh bị khai thác thông tin vào mục đích xấu, ông Chung nói không đáng lo vì cơ quan quản lý sẽ bảo mật. Hệ thống mạng dữ liệu sẽ kiểm soát được, truy vết được ngày nào, ai mở xem và mở cái đó nhằm mục đích gì. Ngoài ra, người khác chỉ mở được khi người dân cung cấp đúng mã. Tức là không phải ai muốn truy xuất cũng được, giống như người dân đang dùng thẻ ngân hàng, phải đọc được số thẻ và mã số.

Cũng theo ông Chung, từ lúc ông làm giám đốc Công an TP Hà Nội thì cơ sở dữ liệu về dân cư của TP đã được làm xong. Dữ liệu này đã chạy ổn định được 4-5 năm rồi nhưng không người dân nào bị lộ thông tin. Hiện người dân trong TP đến cơ quan công an làm hộ chiếu thì phía công an đều truy cập được cơ sở dữ liệu này. Đây là cơ sở rất có lợi cho công tác quản lý và đỡ phiền hà rất nhiều cho người dân.

Đề xuất cần ghi nhận

Theo tôi, đây là một đề xuất mới cần ghi nhận, chỉ sợ rằng chưa thể thực hiện được ngay. Bởi theo quy định thì các tổ chức được quyền khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư.

PGS-TS LÊ MINH HÙNGTrường ĐH Luật TP.HCM

S.NGUYỄN ghi

“Lăn tăn” việc trả phí

Khi dùng số liệu các thông tin cá nhân cơ bản trong dữ liệu dân cư được mã hóa thì rất tiện cho người dân và tổ chức công. Chúng tôi cũng tránh được rủi ro khi thực hiện giao dịch. Điều lo lắng là cơ sở dữ liệu cá nhân này liệu có an toàn, chính xác, nếu xảy ra thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm bồi thường? Về phí, nếu thu của cơ quan công chứng thì chúng tôi có được tính thêm vào mức phí trần để thu lại của người giao dịch hay không? Vì hiện tại nguồn thu, chi phí, lệ phí của tổ chức hành nghề công chứng nhà nước phải theo quy định.

Một công chứng viên tại TP.HCM

K.PHỤNG ghi

Sẵn sàng trả phí

Tôi thấy gói thông tin cá nhân trên là cần thiết, giúp tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và ngân hàng sẵn sàng trả phí nếu được cung cấp. Vì hiện các ngân hàng khi tra cứu thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng phải trả phí.

            Ông VÕ TẤN HOÀNG VĂN, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn

T.LINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm