Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Giáo dục đại học không chỉ truyền thụ tri thức

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Giáo dục đại học không chỉ truyền thụ tri thức

(PLO)- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng và xúc động khi về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM trong những ngày cả nước đang hướng đến kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Xúc động khi về thăm trường cũ

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tình cảm của một cựu sinh viên, tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân thành và chúc mừng tốt đẹp nhất đến với quý cô giáo, thầy giáo và các bạn sinh viên” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mở đầu bài nói chuyện.

DSC05024.JPG
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng và xúc động khi trở về thăm trường cũ

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - nơi quy tụ nhiều nhà khoa học, cô giáo, thầy giáo giỏi, nổi tiếng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

"Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các cô giáo, thầy giáo chính là tấm gương sáng động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy, cô giáo. Tôi vẫn nhớ lại không khí của hơn 30 năm về trước".

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc sáng nay với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

"Thời bấy giờ khoa Triết chỉ có 6 sinh viên. Khoa lúc ấy khoảng 16, 17 thầy cô giáo. Các thầy cô hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi chia sẻ về những điều này để thấy rằng quãng thời gian ở mái Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn mà lúc bấy giờ là Đại học Tổng hợp cơ sở 2 có ý nghĩa và để lại trong tôi một dấu ấn rất quan trọng đến quá trình trường thành, trong hành trình phụng sự xã hội, góp phần bảo vệ phát triển đất nước”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Đến nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao lớn nhất khu vực phía Nam của đất nước và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trường đã thu hút và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng.

chu-tich-nuoc.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm thầy giáo cũ của ông - PGS.TS Vũ Tình - tại khoa triết học - Ảnh: THU HƯỜNG

Theo Chủ tịch nước, sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá.

Nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người - nguồn nhân lực của xã hội có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường.

Trường đại học là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo.

Đổi mới tư duy và hành động

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nhắn gửi đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 4 mục tiêu:

Thứ nhất, Trường phải kiên trì đổi mới tư duy, hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khẳng định vị thế của trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Nội dung chương trình giảng dạy và nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật tiếp cận hiện đại, thiết thực. Bên cạnh đó, hình thành các nhóm nghiên cứu mới hướng về những nội dung mang tính ứng dụng thể hiện sự đa dạng của giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-5-6497-3805.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng giao lưu với sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông

Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Năm học vừa qua trường bước vào tự chủ với nhiều thử thách, dù có nhiều khó khăn những cũng đã nỗ lực từng bước vượt qua. Tiếp tục chú trọng mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác nghiên cứu.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật (chúng ta nói là văn hóa đại học) để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phụng sự xã hội.

DZU02212.JPG
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng cây lưu niệm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế.

Các em sinh viên hãy nhớ rằng chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách. Thời gian các em ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian rất ý nghĩa.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý, tạo điều kiện môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức.

"Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, nền tảng vững chắc mà các thế hệ giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên đã xây dựng, với quyết tâm, kiên trì, tập thể cùng nhìn về một hướng, chung sức, đồng lòng, Nhà trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của xã hội và đất nước, tạo ra sự bứt phá cho khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cựu sinh viên khoa Triết học khóa 1988-1992 của trường. Thời sinh viên, ông là Bí thư Đoàn khoa Triết học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ.

Đọc thêm