Ngày 5-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.
Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, buổi tiếp xúc cử tri được thực hiện trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng đã gặp gỡ khoảng 5.000 cử tri ở hơn 200 điểm cầu tận cấp xã.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: XĐ
3 ấn tượng về kỳ họp thứ nhất
Cử tri Dương Anh Điền chia sẻ ba ấn tượng về kỳ họp. Cử tri đánh giá Quốc hội đã thể hiện xuất sắc những bài học, kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người từng lãnh đạo đất nước đối mặt với những khó khăn, phức tạp bằng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
“Bất biến ở đây là đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, là lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, là thượng tôn pháp luật. Vạn biến là Quốc hội đã rất nhạy bén, nắm chắc tình hình đất nước để xử lý linh hoạt, trách nhiệm các vấn đề phát sinh”- ông Điền nói và dẫn chứng việc Quốc hội bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất với những nội dung chưa từng có tiền lệ, trao cho Chính phủ, Thủ tướng những cơ sở pháp lý cần thiết để chủ động linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, Quốc hội đã chủ động rút ngắn thời gian họp để các địa phương, bộ ngành dồn sức chống dịch.
Vẫn theo cử tri này, ấn tượng thứ hai là Quốc hội đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cấp cao. Đây là những cán bộ có đủ tài, đức để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thứ ba, các cơ quan của Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình, giúp Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên quyết định các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đầu tư công và tài chính – ngân sách…
Một số cử tri khác kiến nghị nhà nước quan tâm thực hiện “mục tiêu kép”, quyết không để xảy ra thảm cảnh “sau chống dịch là chống đói”. Đồng thời có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để động viên, biểu dương, khen ngợi những đóng góp của các lực lượng chống dịch…
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có chiến lược căn cơ, bài bản nhằm đưa các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… lọt vào nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và Thế giới trước năm 2045. Cạnh đó, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới của đất nước để phát triển Hải Phòng theo định hướng tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; đầu tư phát triển đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc…
“Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2h sáng…”
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn cử tri Hải Phòng đã theo dõi, ghi nhận và đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.
Ông khẳng định Quốc hội đã nỗ lực, chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan để hoàn thiện, cập nhật và hoàn thành chương trình Kỳ họp.
“Các cơ quan của Quốc hội đã làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc hai giờ sáng để kịp hoàn thiện trình Quốc hội...”- ông Huệ nói và đánh giá các đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, nhiều người lần đầu tham dự nhưng đã bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu công việc.
Giải đáp ý kiến cử tri liên quan đến chiến lược phát triển đô thị, Chủ tịch Quốc hội cho hay điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hết sức coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị khi đặt mục tiêu 75% động lực tăng trưởng trên thế giới đến từ khu vực đô thị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong năm nay, Bộ Chính trị sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này để triển khai thực hiện. Ông lưu ý đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà thành phố lớn như Hải Phòng cần nhận thức sớm để triển khai thực hiện.
Trước khát vọng phát triển Thành phố của cử tri và nhân dân Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền TP Hải Phòng cùng với các bộ, ngành của Trung ương khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng trình Quốc hội xem xét. Trong đó, cần nghiên cứu đề xuất cả về mô hình chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về quy hoạch, quản lý đất đai…